Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dành 4.000ha đất tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và TX Phú Mỹ để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng đưa vào hoạt động các vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng đã ban hành tiêu chí xét chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn, thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và quy hoạch phân khu chức năng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức.

Từ những thành tựu đã đạt được và trên nền tảng tiềm năng, thế mạnh, Đề án 04-ĐA/TU của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025 đặt mục tiêu giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025 chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đến năm 2025, 100% diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thu hồi để triển khai thực hiện.

Tới nay, sau 5 năm triển khai, Đề án 04-ĐA/TU bước đầu đã góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển.

Số liệu thống kê của tỉnh cho hay, địa phương hiện có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.272ha, diện tích đang sản xuất 5.255ha. Trong chăn nuôi, hiện có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 515ha, chiếm tỷ lệ 38,5% tổng đàn gia cầm và 37,8% tổng đàn heo. Lĩnh vực thủy sản, có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,7ha, tăng 11,5 ha so năm 2021.

Bên cạnh đó, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm. Quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt tỷ lệ 70,27%. Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 36,98% trên tổng quy mô nuôi thủy sản toàn tỉnh. Giá trị sản xuất đạt 4.897 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 109,94 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.

Tới đây, để tiếp sức cho ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, ngoài việc triển khai Nghị quyết đã ban hành, tỉnh còn có kế hoạch tăng cường chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ CP của Chính phủ; hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới,  phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản; khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND. Đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND...

Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng thu nhập cho người dân.

Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp như: đất đai, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hỗ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế cũng được tỉnh đẩy mạnh thực hiện.

Phú Mỹ