Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

CQĐT đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 13 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đề nghị truy tố bà Lê Thị Phú (nguyên Phó trưởng phòng Quản ký giá, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh) và ông Lương Văn Tám (nguyên Giám đốc Ban QLDA, Sở Y tế) tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Trước đó, hồi tháng 1/2023, bà Nhàn đã nhận án 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 14 năm tù về tội Đưa hối lộ.

Trong vụ án này, kết luận điều tra cho rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực tài chính. Nếu dự thầu tại Dự án Bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ninh, công ty sẽ không trúng thầu.

Dù vậy, để Công ty AIC, Công ty Mopha (công ty do bà Nhàn thành lập) trúng 6 gói thầu tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bà Nhàn đã chỉ đạo ông Đỗ Văn Sơn (kế toán trưởng) điều chỉnh hệ số thanh toán nợ ngắn hạn trong các Báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012 để tham dự thầu.

Đồng thời, chỉ đạo Nguyễn Hồng Sơn (Phó TGĐ), Trương Thị Loan (Trưởng ban QLDA 3) và nhân viên Công ty AIC, Công ty Mopha thông đồng với chủ đầu tư, Công ty định giá CIMEICO trong quá trình lập, xác định danh mục mua sắm, thẩm định giá gói thầu, phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu.

Kết quả điều tra cho thấy, Công ty AIC trúng các gói thầu, nhưng báo cáo tài chính 3 năm 2010-2012 của Công ty AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ AIC và Đỗ Văn Sơn (kế toán trưởng) ký cung cấp cho chủ đầu tư không đúng với báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan thuế.

Báo cáo tài chính thực tế gửi cơ quan thuế các năm 2010, 2011, 2012 có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn dưới 1, bà Nhàn đã chỉ đạo ông Đỗ Văn Sơn điều chỉnh tăng “tài sản ngắn hạn” và điều chỉnh giảm “nợ ngắn hạn” trên các báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012 để hệ số thanh toán nợ lớn hơn hoặc bằng 1. Sau đó, thuê Công ty kiểm toán KTV xác nhận với mục đích đủ điều kiện dự thầu. 

Kết luận điều tra cho rằng, Công ty AIC đã gian lận, vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Chỉ đạo làm sai của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Theo lời khai của ông Đỗ Văn Sơn, thời điểm cuối năm 2013, bị can được bà Nhàn gọi lên phòng làm việc và chỉ đạo phải điều chỉnh hệ số thanh toán nợ ngắn hạn lớn hơn 1, nghĩa là tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn phải lớn hơn 1 tại báo cáo tài chính của Công ty AIC từ năm 2010- 2013, để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và tham gia đấu thầu của Công ty AIC.

Theo lời khai của ông Đỗ Văn Sơn, thời điểm đó bị can trả lời bà Nhàn rằng không thể điều chỉnh được, vì thực tế hệ số thanh toán nợ ngắn hạn của Công ty AIC chỉ xấp xỉ bằng 1 và báo cáo tài chính các năm cũng đã nộp cho cơ quan thuế.

Nghe báo cáo vậy, bà Nhàn chỉ đạo với ý làm thế nào thì tự mà lo liệu. Bị sếp mắng, ông Đỗ Văn Sơn quay về phòng làm việc chỉ đạo Lê Thị Hương (Phó trưởng phòng Kế toán kiêm Kế toán tổng hợp) thực hiện theo chỉ đạo của bà Nhàn.

Khi Hương nói: “Bây giờ làm sao điều chỉnh được”, ông Đỗ Văn Sơn đáp: “Mình không còn cách nào khác, phải làm thôi”.

Vẫn theo kết luận điều tra, để đảm bảo cho Công ty AIC và Công ty Mopha trúng thầu, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới thông đồng với chủ đầu tư về thông số kỹ thuật, cấu hình và giá trang thiết bị mua sắm, đồng thời sử dụng nhà thầu trong hệ sinh thái và các công ty đối tác ngoài hệ sinh thái làm “quân xanh” để dự thầu.

CQĐT xác định, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã để anh trai là Nguyễn Anh Dũng đứng tên Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Phúc Hưng để ký hồ sơ dự thầu, làm “quân xanh” cho Công ty AIC trúng thầu. 

Kết quả, Công ty AIC trúng 4 gói thầu, Công ty Mopha trúng 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi với tổng số tiền 232,19 tỷ đồng. Thông qua việc trúng 6 gói thầu, bà Nhàn và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

Theo CQĐT, ngoài bà Nhàn, còn một số bị can khác trong vụ án này cũng đang bỏ trốn, nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra, vì cậy cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.