Đại sứ Phạm Quang Vinh cho hay, vừa qua, vẫn có nhiều vụ việc phức tạp xảy ra dù không phải là sự cố hay cọ xát lớn. Biển Đông gắn chung với câu chuyện của thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà năm qua xảy ra không ít vấn đề phức tạp như xung đột tại Ukraine, Biển Hoa Đông hay Eo biển Đài Loan.

Từ thực tế đó, ông lưu ý một số điểm chung như sau:

Thứ nhất, hai năm qua, dường như không có sự cố lớn trên biển nhưng tôi cho rằng nó chỉ dịu đi hay là khoảng lặng giữa những “cơn sóng ngầm”. Những đòi hỏi chủ quyền quá mức, hoạt động xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, việc ban hành những chính sách, cách nhìn không đúng với tinh thần của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gia tăng sự kiểm soát theo lợi ích của riêng mình… là những động thái cần phải tiếp tục theo dõi.

Biển Đông gắn chung với câu chuyện của thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ hai, các nước có liên quan trong khu vực tiếp tục quan tâm đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trong năm qua, ASEAN vẫn liên tục nhấn mạnh những nguyên tắc của mình liên quan đến Biển Đông và cách xử lý, quản trị các rủi ro, tranh chấp ở đây.

Các hội nghị của ASEAN, đặc biệt là một loạt các hội nghị cấp cao nhấn mạnh rất rõ rằng, các nước mong muốn khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; nhấn mạnh không làm phức tạp thêm tình hình, xây dựng lòng tin và thúc đẩy đối thoại ASEAN-Trung Quốc để thực hiện tốt Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu quả.

Tiếp nữa, tất cả các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ những nguyên tắc chung đó của ASEAN, đặc biệt nhấn mạnh cấu trúc an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, bảo đảm hòa bình, hợp tác của cả khu vực và Biển Đông. Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng, khu vực địa chiến lược, địa kinh tế, do vậy, tất cả các nước có liên quan trong và ngoài khu vực đều phải đóng góp vào việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác tại khu vực này. Để làm được điều đó, con đường duy nhất là đối thoại, thượng tôn pháp luật.

Thứ ba, Việt Nam có vai trò và lập trường nguyên tắc được các nước rất ủng hộ. Cái “mũ” lớn là chúng ta mong muốn một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và hợp tác. Việt Nam rất nhất quán trong câu chuyện Biển Đông, song trùng với những nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải tại đây, nhấn mạnh không làm phức tạp thêm tình hình, xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại; tuân thủ hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Như vậy, vai trò của Việt Nam hay vai trò của ASEAN trong công việc chung của khu vực hay tại Biển Đông được khu vực và thế giới hoan nghênh.

Bước sang 2023, khi thế giới cơ bản kiểm soát được đại dịch, mở cửa lại hoạt động thì càng cần nhấn mạnh việc đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực này; nhấn mạnh việc quản trị hành vi của các nước có liên quan.

Văn Thường (lược ghi), Phạm Công, Minh Hưng, Bích Hạnh, Bình Minh