Đầu tiên là máy bay chiến đấu đa năng F-16 Fighting Falcon. Việc giao vũ khí này cho Ukraine có thể bị Nga coi là lôi kéo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào xung đột.

“Ngoài ra, sẽ mất nhiều thời gian để huấn luyện phi công Ukraine lái và bảo dưỡng các máy bay chiến đấu này”, ông Suchiu cho biết.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: U.S. Army

Vũ khí tiếp theo là xe tăng chủ lực thế hệ thứ 3 M1 Abrams. Ông Suchiu cho rằng, Lầu Năm Góc lo ngại việc gửi chúng đến Ukraine sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi, vì Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ phải học cách xử lý Abrams trong nhiều tháng.

Loại vũ khí thứ 3 là các hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Theo ông Suchiu, với hệ thống này quân đội Ukraine sẽ có thể tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga.

Vào cuối tháng 12/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm Washington, gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Quốc hội. Cùng thời điểm với chuyến thăm, Mỹ đã thông báo về gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,85 tỷ USD cho Kiev, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Về phía Moscow, Nga trước đó đã gửi công hàm tới các nước NATO vì cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý rằng bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các nước NATO đang “đùa với lửa” khi cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, cho biết việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine không góp phần vào sự thành công của các cuộc đàm phán Nga-Ukraine, mà sẽ có tác động tiêu cực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 12 năm ngoái cáo buộc phương Tây đang tìm cách kéo dài các hoạt động quân sự ở Ukraine càng lâu càng tốt nhằm làm suy yếu Nga.

Thanh Thảo