Chùa Liên Trì trầm mặc trên tầng 3 chung cư Nguyễn Thiện Thuật.

Chùa ‘ba chị em’

Chiều, tầng 3 khu chung cư nhuốm màu thời gian Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3, TP.HCM) chìm trong im ắng. Ni sư Thích Nữ Trí Huệ (64 tuổi) lặng lẽ lấy khăn lau chiếc đại hồng chung treo trong đại sảnh ngôi chùa Liên Trì.

Nằm trên tầng 3 chung cư, chùa Liên Trì hay còn gọi là Niệm Phật Đường Liên Trì ít được khách thập phương tới thăm. Chùa chỉ quen thuộc với người dân sinh sống tại chung cư. Tại đây, chùa được người dân gọi với cái tên thân thương là chùa “ba chị em”, chùa “ba cô”.

Danh xưng ấy bắt nguồn từ việc nhiều chục năm trước, chùa trở thành nơi tu tập của 3 chị em gái ruột gồm: Ni sư Thích Nữ Như Thông, ni sư Thích Nữ Trí Huệ và ni sư Như Phát.

Ni sư Như Thông đã viên tịch cách đây 2 năm. Chùa Liên Trì bây giờ được ni sư Trí Huệ và ni sư Như Phát quán xuyến.

Ni sư Trí Huệ cho biết, chùa Liên Trì còn có tên gọi thân thương là chùa "ba cô", chùa "ba chị em" vì có 3 chị em ruột cùng đến tu hành.

Ni sư Trí Huệ nói: “Chùa có trước năm 1975 và là nơi tu tập của 3 anh em ruột thầy Thích Minh Cảnh. Sau khi thầy Minh Cảnh viên tịch, 2 người em của thầy hoàn tục. Họ giao chùa lại cho một người đạo hữu trông nom”.

Không có người nhang khói, tụng kinh, chùa Liên Trì xuống cấp, mái dột, tường long, tượng Phật xiêu đổ. Nhà chúng tôi gần chùa nên nhiều lần qua lại và gặp ông đạo hữu".

"Thấy chúng tôi có duyên, ông mời về chùa tu. Lúc đó, tôi mới ngoài 20 tuổi đã cùng ni sư Như Thông vào ở trong chùa. Sau đó ít năm, ni sư Như Phát cũng đến tu. Thế nên người ta gọi chùa Liên Trì là chùa “ba cô”, chùa “ba chị em”, ni sư Trí Huệ nói thêm.

Lúc ni sư Như Thông, Trí Huệ tiếp quản, chùa Liên Trì còn rất sơ sài. Sau nhiều thời gian không có người chăm sóc, chùa chỉ chờ ngày xiêu đổ. Ngôi Tam Bảo của chùa được dựng bằng cây gỗ mục nát, tượng Phật cũng “phải đội nón lá che mưa” vì mái dột. 

Sau khi ni sư Như Thông viên tịch, chùa Liên Trì được ni sư Trí Huệ tiếp quản.

Tay trắng dựng chùa

Theo ni sư Trí Huệ, trước đây, chùa Liên Trì chưa nằm trên tầng 3 chung cư như bây giờ. Thay vào đó, tiền thân chùa là nhà của một gia đình ở dưới đất thuộc khu Bàn Cờ, Quận 3.

Tuy vậy, gia đình này không may gặp phải hỏa hoạn. Ngọn lửa dữ bùng lên, thiêu cháy mọi thứ. Sau vụ tai nạn, người còn sống xây nơi thờ để nhang khói cho những nạn nhân xấu số.

Ni sư Trí Huệ nói: “Sau đó, thầy Minh Cảnh về đây tu hành. Cuối năm 1968, chung cư Nguyễn Thiện Thuật được xây dựng để cấp cho người dân bị cháy nhà.

Lúc này, chính quyền cho chùa 2 tầng làm nơi thờ Phật, tu tập. Tuy nhiên, chùa không thể nằm dưới nhà ở của người dân nên thầy Minh Cảnh chọn tầng 3 của chung cư để lập chùa, tu hành”.

Trước đây, khi chưa được các ni sư tiếp quản, chùa xuống cấp, tượng Phật từng phải đội nón lá để tránh mưa.

Nằm trên chung cư nên khuôn viên chùa hết sức khiêm tốn. Ngôi chùa nhỏ được giới hạn trong hai căn hộ liền kề với diện tích chỉ gần 80m2.

Dẫu vậy, do có một thời gian không ai nhang khói, chùa xuống cấp trầm trọng. Ngày về chùa, chị em ni sư Như Thông, Trí Huệ đối mặt cảnh “không có cái chén ăn cơm, không có nơi ngồi thiền, gõ mõ, tụng kinh”.

Có duyên với chùa, ni sư Như Thông, Trí Huệ quyết định tự dọn dẹp, tìm cách tu sửa từ từ. Để có kinh phí sửa sang cửa chùa, các ni sư ngày ngày xuống chợ buôn bán đồ chay.

Hiện, chùa vẫn giữ nơi thờ, di ảnh của chủ căn nhà vốn là tiền thân của chùa Liên Trì. 

Suốt mấy chục năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân sinh sống quanh khu chợ Bàn Cờ đã quen thuộc với hình ảnh 3 ni sư Như Thông, Trí Huệ, Như Phát thay phiên nhau đứng bán thực phẩm chay.

Tất cả kinh phí từ việc buôn bán, các ni sư đều dồn vào việc tu sửa lại chùa Liên Trì. Qua thời gian, chùa Liên Trì trở nên sạch sẽ, chắc chắn và là điểm sinh hoạt tôn giáo của người dân địa phương.

Hơn thế, chùa còn là điểm nhấn đặc biệt của khu chung cư cũ được thiết kế dạng hộp hiếm hoi còn sót lại ở TP.HCM.