Cùng với sự phát triển của tổ chức tôn giáo, số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo cũng không ngừng gia tăng. Hiện 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Tuy nhiên, có một số hội, nhóm núp dưới danh nghĩa tôn giáo tổ chức nhiều hoạt động phản văn hóa, vi phạm trật tự xã hội đang khiến dư luận hết sức lo ngại.

Đơn cử, cách nay mấy năm, trên địa bàn huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) xuất hiện hoạt động của nhóm tôn giáo mang tính chất tà đạo “Giê Sùa” và “Ðức Chúa trời yêu thương chúng ta” (hay còn gọi là Bà Cô Dợ) dụ dỗ người dân tham gia các hoạt động đi ngược chuẩn mực văn hóa và pháp luật để trục lợi, gây mất an ninh trật tự.

Lợi dụng đời sống của bà con người Mông còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, địa bàn sinh sống không tập trung... các đối tượng xấu ở nước ngoài đã đẩy mạnh việc tuyên truyền tà đạo "Giê sùa" và "Bà cô Dợ"- hình thức biến tướng của Tin lành với bản chất là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông". Hình thức tuyên truyền là triệt để lợi dụng mạng internet và mạng xã hội.

Cho đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên đã truy bắt, xử lý các đối tượng cầm đầu, cốt cán hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người theo tà đạo "Giê sùa". Biện pháp chủ yếu của cơ quan chức năng hiện nay là vận động, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ bản chất phản động, lừa đảo, đi ngược lại chủ trương đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước

Mới đây, công an thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) đã phát hiện 2 nhóm 'Hội thánh Đức chúa trời mẹ' có hoạt động sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật, lén lút lôi kéo người dân tham gia.

Chia sẻ về việc ngăn chặn các “tà giáo" hoạt động trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay: Để đưa các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đi đúng đường hướng, đúng pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo là Ban Tôn giáo các địa phương cần tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan như cơ quan quản lý văn hóa, công an tại cơ sở đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng sinh hoạt văn hóa trái pháp luật; kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật mang tính “tà giáo” gây xáo trộn đời sống xã hội cộng đồng.

Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động, đảm bảo quyền sinh hoạt tôn giáo và đời sống tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Cùng với sự phát triển của các tôn giáo hoạt động đúng hiến chương, đúng điều lệ và những quy định của luật pháp, những giáo lý, giáo luật của tôn giáo thì cũng xuất hiện một số tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận, các hệ phái du nhập hay các nhóm tôn giáo phát triển trong nước hoạt động trái với quy định hiến chương, trái giáo lý, giáo luật chính thống của các tôn giáo, đi ngược lại phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Một số hoạt động truyền bá “tà đạo”, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật đã đi ngược lại những quy định của nhà nước về tôn giáo như sử dụng các hình thức tuyên truyền xuyên tạc, ma mị, lừa bịp để lôi kéo người dân, trong đó có cả hình thức trục lợi, xúc phạm đến nhân phẩm đạo đức, quyền sống của con người hay đi ngược lại phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Việc xuất hiện các hệ phái, giáo phái bất hợp pháp, các hiện tượng sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật tuy không phổ biến, nhưng hiện nay đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Việc để các hệ phái, giáo phái, hiện tượng nói trên tồn tại trong thời gian dài, tụ tập đông người tham gia mà chậm bị phát hiện và xử lý thì trước hết, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về các địa phương và cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về tôn giáo là Ban Tôn giáo địa phương nơi để các sự việc tiêu cực đó xảy ra.

Trong những năm qua, để giải quyết các hiện tượng sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật đã được dư luận, báo chí phản ảnh, Ban Tôn giáo Chính phủ và các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo; xử lý kịp thời các hành vi, hiện tượng, cá nhân vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật lẫn vi phạm quy định của các tôn giáo trong việc thực hành sinh hoạt tôn giáo.

Để ngăn chặn dứt điểm tình trạng đó, bên cạnh việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo và tăng cường giáo dục ý thức pháp luật của người dân còn rất cần sự vào cuộc chủ động của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và đang sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật.

Hoàng Giang, Quốc Huy, Minh Thúy