Bức tranh di sản văn hóa sinh động đầy màu sắc 

Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Thành phố Cần Thơ.

Đây là vùng châu thổ phì nhiêu được hình thành và phát triển trong hơn 300 năm, là nơi hội tụ những đặc trưng chung của văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là nơi dung hợp và hình thành những đặc điểm rất riêng của vùng đất mới. Những giá trị văn hóa vừa phản ánh cái chung, vừa khẳng định tính riêng của vùng được tích hợp qua thời gian đã trở thành di sản văn hóa, rồi tiếp tục được kế thừa, phát huy và phát triển để trở thành bản sắc văn hóa vùng châu thổ sông Cửu Long.

Trong quá trình khai phá và định cư ở Đồng bằng sông Cửu Long , các bậc tiền nhân đã để lại kho tàng di sản văn hóa bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, in đậm dấu ấn tự nhiên và lịch sử của vùng đất này.

ĐBSCL là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa độc đáo của bốn dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Với những nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa nghệ thuật sinh động đầy màu sắc trên mảnh đất này. 

Theo thống kê, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 1.234 lễ hội, trong đó, lễ hội dân gian, truyền thống chiếm gần 70%, lễ hội tôn giáo chiếm hơn 21%, lễ hội lịch sử cách mạng hơn 8%, còn lại là các lễ hội khác.

Bên cạnh những lễ hội cấp quốc gia tiêu biểu, như: lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam (Châu Đốc, An Giang), lễ hội Kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang), lễ hội Nghinh Ông (Cà Mau)..., còn có các lễ hội với dấu ấn đặc sắc về văn hóa của các dân tộc sinh sống trong vùng, như: lễ hội Ok Om Bok, lễ Sen Dolta, hội đua bò Bảy Núi của người Khmer; lễ Ramadan, lễ hội Roya của người Chăm; lễ cúng Bà Thiên Hậu của người Hoa....

Nói đến vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long là người ta nghĩ ngay tới hệ sống sông ngòi chằng chịt, nên phổ biến một số lễ hội quảng bá đặc sản vùng sông nước như: lễ hội Dừa Bến Tre, lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (tổ chức tại thành phố Cần Thơ)...

Bên cạnh đó, văn hóa sông nước còn thể hiện ở nét văn hóa miệt vườn. Vườn tược nơi đây được tập trung lại với nhau thành không gian rộng lớn thành những vườn cây trái xanh mướt với những loại trái đặc trưng như: sầu riêng, nhãn, vú sữa, chôm chôm.

Văn hóa sông nước còn hình thành nên nét sinh hoạt đặc trưng mà không nơi nào ở Việt Nam có được, đó là chợ nổi. Có nhiều chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long  được hình thành từ lâu đời và hiện nay đã được khai thác vào trong hoạt động du lịch như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang)… Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) đã bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, và được mô tả là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”. 

Đồng bằng sông Cửu Long còn sở hữu hàng trăm làng nghề truyền thống hay mới hình thành. Mỗi làng nghề có một loại sản phẩm riêng biệt đặc trưng cho mỗi tỉnh trong vùng. Các làng nghề truyền thống như làng kiểng Mai vàng Phước Định (Long Hồ, Vĩnh Long), làng Hoa kiểng Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre), làng nghề tủ thờ Gò Công (Tiền Giang), làng dệt chiếu Long Định, làng bàng buông Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang)…

Một số làng nghề trở thành điểm tham quan chính trong các chương trình du lịch tại địa phương, có thể kể đến làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre),

V.v... V.v....

Điểm lại như vậy để thấy Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn di sản văn hóa phi vật thể đầy giá trị và có sức hấp dẫn.

Nơi kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai

Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, lãnh đạo các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của khu vực.

Đây không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử - văn hóa của quá khứ mà còn trở thành nơi kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, gắn với sự phát triển của xã hội.

Trên tinh thần đó, chiều 20/5, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức Hội nghị ký kết biên bản ghi nhớ thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Bảo tàng - Di tích Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự hội nghị có ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo Bảo tàng, Ban Quản lý Di tích, Ban Quản lý Khu lưu niệm các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phát biểu nhấn mạnh, việc thành lập Câu lạc bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là "mái nhà chung" nhằm đẩy mạnh thực hiện hành trình kết nối di sản văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, gắn kết với phát triển du lịch.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động câu lạc bộ, trong thời gian tới, Ban Chủ nhiệm và các thành viên trong câu lạc bộ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới hình thức và nội dung sinh hoạt, nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề nhằm góp phần xây dựng Câu lạc bộ ngày càng vững mạnh, mở rộng ảnh hưởng, uy tín... ; tổ chức sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật và tôn chỉ, mục đích của câu lạc bộ.

Theo ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, Câu lạc bộ Bảo tàng - Di tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi trong việc giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, điều hành giữa lãnh đạo các đơn vị, viên chức, người lao động; tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm chuyên môn kể cả sự tham gia của các đơn vị ngoài ngành như câu lạc bộ cổ vật, các doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số, từ đó tăng tính chủ động, sáng tạo, gắn kết giữa những người làm công tác di sản, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bảo tàng - Di tích các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã thảo luận, trao đổi đi đến thống nhất chung về nội dung quy chế, kế hoạch phối hợp họat động của câu lạc bộ, xã hội hóa nguồn kinh phí duy trì hoạt động, quy định đăng cai tổ chức sinh hoạt.

21 đơn vị Bảo tàng, Ban quản lý di tích khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã gắn kết, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động bảo tồn và phát huy hệ thống di sản của từng địa phương.

Trong ngày đầu ra mắt, Câu lạc bộ Bảo tàng - Di tích Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề ‘‘Giới thiệu số hóa Bảo tàng - Di tích"

Hồng Sơn