Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về cơ chế quản lý tài chính gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết luận, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong thời gian qua đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên cũng bộc lộ bất cập cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi để đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, gắn với thực hiện chế độ tiền lương mới.

Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định theo Nghị quyết số 69 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27, chuẩn bị các cơ sở, điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 ngay khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí để bảo đảm thực hiện đúng các quy định về sử dụng số tiền phí được để lại và cơ chế khoán chi phí hoạt động của các cơ quan nhà nước có nguồn thu phí. Thời gian hoàn thành trong quý II năm 2023.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; việc quản lý, sử dụng kinh phí (chi thường xuyên và chi đầu tư). Trong đó có nguồn thu dịch vụ, nguồn thu phí được để lại theo chế độ tại các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, bảo đảm phù hợp với quy định, đúng định mức, đúng đối tượng, không dàn trải, lãng phí.

Thời gian hoàn thành trước thời điểm xây dựng dự toán năm 2024.

Đối với các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước đang được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện rà soát theo các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.