Được mệnh danh là “hòn ngọc giữa biển Đông”, đảo Cồn Cỏ không chỉ được biết đến là địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ mà còn là “vọng gác tiền tiêu” nơi cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc bộ. Nằm cách cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) 17 hải lý, huyện đảo Cồn Cỏ có diện tích đất tự nhiên 230 ha; có trên 60% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên, dân số đảo hiện có 600 người; có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú. Cồn Cỏ cũng nằm trong hệ thống các địa danh lịch sử nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến của quân và dân Quảng Trị. 

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Trung ương và tỉnh Quảng Trị, cùng sự nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên đảo, Cồn Cỏ đã và đang tự khẳng định mình và có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, xứng đáng là “hòn ngọc” - đảo văn hóa, du lịch - mắt thần trên Biển Đông, đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, huyện đã xác định cơ cấu kinh tế trọng tâm của huyện là du lịch – dịch vụ - thủy sản. Huyện đã tập trung xây dựng và hoàn thiện các loại quy hoạch làm cơ sở đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, xã hội kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên đảo được xây dựng và củng cố vững chắc, khu vực phòng thủ huyện được tăng cường. Các lực lượng vũ trang đảo Cồn Cỏ thường xuyên huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên đảo, trên biển được giữ vững. 

Trong những năm qua, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển đảo Cồn Cỏ. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trước hết là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tác nghiệp của lực lượng vũ trang, bảo vệ cảnh quan, môi trường của đảo được đầu tư xây dựng như: Hệ thống cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống xói lở bảo vệ đảo phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với Quốc phòng An ninh, Hồ thu gom và chứa nước nhân tạo, hệ thống điện, giao thông trên đảo... các hoạt động dịch vụ đời sống cung ứng điện, nước, du lịch được chú trọng; công tác bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái được tăng cường.

Đến nay, mạng lưới điện, điện thoại di động và internet đã ổn định nên huyện đảo Cồn Cỏ từng bước chuyển đổi số, góp phần quảng bá du lịch, phát triển kinh tế xã hội trên đảo. 

Các hoạt động văn hoá xã hội cũng được coi trọng, các thiết chế văn hoá được quan tâm như: Nhà văn hoá, Trung tâm y tế, hệ thống thông tin liên lạc, Đài truyền thanh, lớp mầm non. Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động văn hoá thể thao được tổ chức thường xuyên đã phần nào đáp ứng nhu cầu tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa, nhanh chóng hòa nhập với các phong trào văn hóa của tỉnh Quảng Trị

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đang hỗ trợ tỉnh Quảng Trị, đưa khu du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ vào quy hoạch các khu du lịch biển quốc gia. Những yếu tố này đã và đang giúp “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng -Cửa Việt - Cồn Cỏ thu hút được các nhà đầu tư lớn. Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển sẽ tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Quảng Trị phát triển cân đối, toàn diện, bền vững. 

Nhiều năm qua Đảng và nhà nước ta luôn kiên định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống nhân dân, tạo ra thế và lực trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc, trong đó đặc biệt chú trọng tới hệ thống  đảo tiền  tiêu  có  vị  trí quan  trọng  trong  sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như các đảo, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vỹ ...

Tỉnh Quảng Trị phát triển kinh tế biển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW. Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển là hướng đi có tính bứt phá, không chỉ khai thác đúng tiềm năng, lợi thế, mà còn đảm bảo tính chiến lược lấy phát triển kinh tế biển làm nền tảng vững chắc để phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Có thể nói, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị là một chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp chiến lược kinh tế biển của quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.