Hãng thông tấn CNN dẫn lời cô Al-Haddad kể lại rằng, bản thân khi còn là một đứa trẻ 11 tuổi đã mừng thét lên lúc chứng kiến cảnh cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Sepp Blatter công bố Qatar sẽ là nước chủ nhà của sự kiện World Cup 2022 trên sóng truyền hình.
“Đó là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Khi tôi dần lớn lên và ngày tổ chức World Cup ngày càng tới gần, bản thân tôi nhận ra rằng điều này đã vượt trên bản chất thể thao mà nó còn là một cơ hội để giới thiệu về đất nước thân yêu của tôi”, cô Al-Haddad tự hào nói.
“Trước đây, sự kiện World Cup luôn chỉ diễn ra ở các quốc gia phương Tây, và người dân Qatar chưa bao giờ thật sự có cơ hội trải nghiệm nó ở quốc gia của chúng tôi. Thật tuyệt vời, khi mọi người từ khắp nơi trên thế giới trong dịp này đã có cơ hội tiếp xúc với văn hóa Ảrập. Khi khách du lịch ngoại quốc tới Qatar, thì sẽ dễ dàng hơn để mọi người chấp nhận và thấu hiểu về sự khác biệt của nhau, cũng như nhận ra bóng đá đã có thể đoàn kết tất cả chúng ta như thế nào”, Al-Haddad nói thêm.
Theo Al-Haddad, bản thân mình không phải lúc nào cũng yêu thích bóng đá nhưng “đó là niềm đam mê mà được phát triển dần theo thời gian”.
“Tôi đang sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội của bản thân để đăng tải hình ảnh người dân tại nơi tôi sinh sống chơi bóng đá, và tôi hy vọng rằng tình yêu của Qatar đối với môn bóng đá sẽ tiếp tục phát triển và lớn mạnh”, cô Al-Haddad nói.
Khi được hỏi về những vấn đề tiêu cực xảy ra đằng sau hậu trường World Cup 2022 tại Qatar, chẳng hạn như thông tin về nhiều người lao động nhập cư đã thiệt mạng trong quá trình làm việc ở Qatar để xây dựng các sân vận động và chuẩn bị cho sự kiện thể thao này, cô Al-Haddad nói rằng “như nhiều quốc gia khác, Qatar đã học những bài học từ các sai lầm”.
“Thay vì đi sâu vào những vấn đề liên quan tới quyền con người, tôi chỉ muốn nói rằng bản thân mình yêu những gì mà sự kiện World Cup 2022 đã giúp đoàn kết người dân đến từ nhiều quốc gia lại với nhau”, cô Al-Haddad nhấn mạnh.