Ở vùng cao Lào Cai, đồng bào Mông Hoa có dân số đông nhất trong cộng đồng dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung. Đồng bào sinh sống ở 9 huyện/thị xã/thành phố, 114 xã/phường/thị trấn với 530 thôn, bản.

Những đóng góp tích cực của những người Mông có uy tín

Vào thời điểm tái lập tỉnh (năm 1991), đời sống đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Mông còn nhiều khó khăn, nhiều hộ đói nghèo, nhiều bà con không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông…

Ảnh minh hoạ

Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của đồng bào, đến nay 100% đường ô tô đến trung tâm các xã đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông; tỷ lệ hộ dân người dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Mông được sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh đạt khoảng 96%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện phù hợp đạt hơn 97%; trẻ trong độ tuổi 4 - 5 tuổi đến trường đạt 99,2%; có hơn 90% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 có thể đọc, viết tiếng phổ thông…

Trung Lèng Hồ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát với 99,5% là dân tộc Mông. Tổng số hộ nghèo năm 2023 là 293, chiếm 61,9% số hộ của xã, số hộ cận nghèo 94, chiếm 19,8%.

Những năm trước đây, một số hủ tục trong cộng đồng dân tộc Mông vẫn còn nặng nề như tảo hôn; ép cưới; thách cưới cao; trong việc tang, các gia đình có người chết vẫn còn để lâu ngày; đưa người chết đi phơi nắng; tổ chức ăn uống dài ngày...

Để đẩy lùi hủ tục, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông phối hợp với các tổ chức đoàn thể của thôn tập trung tuyên truyền, vận động bà con cải tạo các hủ tục với các nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng; tổ chức ký cam kết tới 100% hộ dân về xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang và không tổ chức cưới tảo hôn cho con. Nhờ đó, nhận thức của bà con được nâng lên, các hủ tục đã từng bước bị xóa bỏ.

Cốc Mỳ là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Bát Xát, xã gồm 3 dân tộc Kinh, Dao và Mông sinh sống. Trên địa bàn xã, tình trạng tảo hôn chủ yếu xảy ra ở các thôn đồng bào dân tộc Mông.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể xã đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật như Luật Hôn nhân và Gia đình; các văn bản về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tới người dân.

Hằng năm, xã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tổ chức gặp mặt các thầy mo, thầy cúng, người có uy tín bàn giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Địa phương xây dựng các mô hình về phòng chống tảo hôn, tuyên truyền, vận động trẻ vị thành niên không sinh con dưới 18 tuổi. Đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ thôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền và nắm tình hình trong thôn để kịp thời báo cáo giải quyết. Nhờ đó, công tác ngăn chặn tảo hôn ngày càng hiệu quả, đến nay tình hình tảo hôn trên địa bàn xã đã giảm thiểu.

Nậm Chảy là xã vùng cao biên giới thuộc huyện Mường Khương, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 17 km, quản lý 19 cột mốc, với 5/11 thôn giáp biên giới.

Xác định rõ vị trí, vai trò của mình, những năm qua, người có uy tín trên địa bàn xã tích cực tuyên truyền, vận động dòng họ và Nhân dân, nhất là người dân ở khu vực biên giới chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Người có uy tín luôn giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư; chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”; phối hợp với chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch; cùng với các lực lượng chức năng xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững bình yên thôn, xóm.

Tiếp tục đề cao vai trò quan trọng của những người có uy tín

Thông tin tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương đại biểu người có uy tín tiêu biểu dân tộc Mông huyện Bát Xát, Mường Khương vừa diễn ra hôm 27/9 cho biết, vùng đồng bào dân tộc Mông ở hai địa phương Bát Xát, Mường Khương dù đã có nhiều đổi thay, chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần quan tâm giải quyết liên quan tới việc tiếp tục cải tạo tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Do vậy, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân theo hướng đổi mới nội dung và phương thức. Thường trực các huyện ủy chủ động rà soát, chỉnh sửa, bổ sung kế hoạch tuyên truyền, vận động theo Đề án 17 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025.

Các tham luận tại hội nghị đều nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của những người có uy tín trong cộng động. Họ chính là những tấm gương đi đầu, vận động gia đình, dòng họ và cộng đồng vươn lên trong lao động, sản xuất, giảm nghèo; đẩy lùi các tập quán lạc hậu; gìn giữ, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong bản làng.

Hồ Nhi