Như VietNamNet đã đưa tin, ông Phùng Tuấn Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Hà Tây xác nhận, lối mở km 28+800 đường sắt Bắc Nam, đoạn qua xã Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội) là nơi đơn vị này quản lý.
Theo quy định, trước 90 giây khi tàu đến, nhân viên gác chắn phải hạ barie để ngăn người và phương tiện đi vào. Tuy nhiên, hai nhân viên trực gác chắn đã chậm hạ barie, để xe đầu kéo chở sắt đi vào lối mở.
Do xe dài và nặng, tài xế không quen đường nên mất gần 2 phút không thoát ra, gây va chạm với tàu khách SE5 hành trình Hà Nội - TP.HCM.
Ngoài ra, khi phát hiện xe đầu kéo mắc kẹt trên đường sắt, hai nhân viên gác chắn đã không phát tín hiệu cảnh báo để dừng tàu. Trước đó, tàu SE5 đã tránh tại ga Phú Xuyên cách vị trí va chạm khoảng 500m, phía ga đã phát tín hiệu báo tàu sắp đến với nhân viên gác chắn trên đường.
Những nội dung này thể hiện rất rõ qua clip được chia sẻ trên mạng xã hội sau tai nạn.
Câu hỏi được đặt ra là: Với những sai phạm trên thì tài xế xe đầu kéo và nhân viên trực gác chắn sẽ bị xử lý ra sao?
Trao đổi với phóng viên VietNamNet về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, vụ tàu hỏa tông xe đầu kéo xảy ra hôm 28/1 cho thấy nguy cơ mất an toàn đường sắt ở các điểm giao nhau với đường bộ hiện nay là rất cao nếu như lái xe bất cẩn, nhân viên gác chắn không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình.
Vụ việc ban đầu xác định có lỗi của nhân viên gác tàu và tài xế xe đầu kéo. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả thiệt hại về tài sản làm căn cứ để quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không đối với tài xế xe đầu kéo và hai nhân viên trực gác.
“Trong vụ việc này, người điều khiển xe ô tô đầu kéo chở sắt thép là người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nơi giao nhau với đường sắt.
Theo quy định của pháp luật thì người này phải chú ý quan sát và chỉ được đi qua điểm giao cắt với đường sắt khi đảm bảo điều kiện an toàn. Tuy nhiên người này đã thiếu chú ý quan sát, đã ngập ngừng khi điều khiển xe qua điểm giao nhau dẫn đến vụ tai nạn xảy ra.
Do đó, nếu hậu quả vụ tai nạn gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đối với người lái xe này, theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự”, TS. LS Đặng Văn Cường thông tin.
Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ yếu tố lỗi của người điều khiển xe đầu kéo và tiến hành định giá đối với thiệt hại về ô tô và đầu tàu hỏa.
“Trong trường hợp xác định hành vi của người lái xe ô tô là có lỗi, vụ tai nạn xảy ra dẫn đến thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự. Trong tình huống đó, người lái xe này có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là án tù từ 1 đến 5 năm.
Trường hợp thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 1.5 tỷ đồng thì khung hình phạt sẽ tăng nặng, phạt tù từ 3 đến 10 năm”, luật sư Cường thông tin.
Đối với hai nhân viên gác tàu, luật sư cho rằng, nếu thiệt hại tài sản trong vụ tai nạn từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự đối với hai người này. Hành vi này được quy định tại điều 360 Bộ luật Hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Nếu gây thiệt hại trên 1.5 tỷ đồng thì khung hình phạt cao nhất có thể tới 12 năm tù.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường sắt trong đó có một phần trách nhiệm của người trực gác ở các điểm giao cắt. Điều này cho thấy việc đảm bảo an toàn đường sắt ở một số nơi, một số bộ phận đang có sự nơi lỏng, thiếu trách nhiệm.
Qua vụ việc này, luật sư Cường cho rằng, ngoài việc xem xét hậu quả, xác định lỗi để truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy tắc an toàn giao thông đường sắt và đường bộ. Việc làm này nhằm mục đích tránh xảy ra những vụ tai nạn tương tự, đảm bảo an ninh an toàn đường sắt và đường bộ.
"Điều 360 Bộ luật Hình sự quy định về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: 1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |