Địa điểm xảy ra vụ việc trên là quán nhậu Mr Bao trên đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Bước đầu, chủ quán khai nhóm 8 người nhậu đã lấy 5 lít rượu có sẵn tại quán pha với nước ngọt và uống hết. 

Sau đó, cả nhóm giải tán ra về. Nhiều người có dấu hiệu nôn ói, lơ mơ, choáng váng vào ngày hôm sau. Một trường hợp tử vong tại phòng trọ, một người khác tử vong sau 30 phút cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Việt.

Số còn lại cấp cứu rải rác tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Địa điểm nơi nhóm sinh viên uống rượu sau đó nghi ngộ độc Methanol. Ảnh: Đàm Đệ

Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, 4 nạn nhân của vụ ngộ độc rượu (2 nam, 2 nữ) được chuyển đến cấp cứu trong chiều 5/8. Cả 4 trường hợp có chẩn đoán chung là ngộ độc Methanol ngày thứ 2.

Cụ thể, bệnh nhân nam L.Q.K khi nhập viện tỉnh táo, than đau đầu, chóng măt. Kết quả kiểm tra nồng độ Methanol trong máu 246,46 mg/dL. 

Nữ bệnh nhân tên T.T.G.M nhập viện trong tình trạng lơ mơ, lay gọi không trả lời, không tỉnh táo, thở oxy canula. Người nhà cho biết trước đó cô gái nôn ói nhiều, chóng mặt, đau bụng sau đó co giật. 

Kết quả xét nghiệm nồng độ Methanol trong máu ở mức 123.98 mg/dL. Bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu, được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu. Đây là trường hợp nặng nhất đến hiện tại đang điều trị.

Hai trường hợp trên đang được lọc máu tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Trong khi đó, bệnh nhân V.V.Đ (nam) có các triệu chứng tức ngực kèm đau cổ họng. Lúc nhập viện tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được. Kết quả xét nghiệm nồng độ Methanol 19,96 mg/dL.  Tương tự, bệnh nhân nữ N.T.T.V đau đầu, khó tiêu, nôn ói, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Khi nhập viện, nồng độ Methanol trong máu 1,34 mg/dL. 

Hai trường hợp này đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nội Tiết thận.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho hay, qua khai thác, nhận định các bệnh nhân đều uống rượu không rõ nguồn gốc dẫn đến tình trạng ngộ độc Methanol.

Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi..., tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như Ethanol. 

Ngộ độc rượu từ Ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do Methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống.