XEM CLIP:

Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, quá trình xin cấp phép 109 chuyến bay, cách ly y tế, từ tháng 11/2020 - 12/2021, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) và Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) đồng phạm đưa hối lộ 63 lần, tổng số hơn 38 tỷ đồng cho 12 người và một số cá nhân khác có thẩm quyền, cấu thành tội Đưa hối lộ.

Bị cáo Lê Hồng Sơn. Ảnh: CTV.

Ngoài ra, để trốn tránh trách nhiệm hình sự trong vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, bị cáo Sơn và Hằng đã bàn bạc, nhờ cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn tìm người giúp đỡ.

Ông Tuấn đã kết nối, sắp xếp cho Hằng nhiều lần gặp cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tại nhà Tuấn để trao đổi, nhờ Hưng giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự và Tuấn cũng tham gia các cuộc gặp.

Do tin tưởng Hưng giúp được, từ tháng 2 - 12/2022, Hằng và Sơn đã đưa hối lộ hơn 2,6 triệu USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng) chuyển toàn bộ số tiền này cho Tuấn để Tuấn chuyển cho Hưng.

Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Hằng 10-11 năm tù, Sơn 11-12 năm tù.

Bào chữa cho bị cáo Sơn, luật sư Giang Hồng Thanh trình bày: Ở giai đoạn tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ cấp phép, rất nhiều lời khai của nhiều cá nhân khác nhau tại nhiều doanh nghiệp khác nhau đưa ra một bức tranh chung toàn cảnh.

Đó là một số cán bộ nhà nước gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới tạo điều kiện cấp phép. Nếu doanh nghiệp không đưa tiền, chắc chắn họ sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Luật sư nêu: “Vậy doanh nghiệp có sự lựa chọn nào khác không? Không. Chỉ có hoặc là đưa tiền, hoặc đừng tổ chức chuyến bay nữa”.

“Cơ chế xin cho, văn hóa phong bì”

Theo quan điểm bào chữa của luật sư, nếu tất cả các doanh nghiệp đều không đưa tiền, chưa chắc 93.000 người dân của các chuyến bay combo sẽ được đưa về nước.

Dư luận than giá vé cao, nhưng thực tế, ngoài việc phải cộng thêm khoản tiền đưa hối lộ, còn phải cộng thêm nhiều chi phí khác do ảnh hưởng của dịch bệnh: Chi phí tàu bay một chiều, chi phí cách ly, chi phí xét nghiệm ở nước ngoài và tại Việt Nam, chi phí ăn ở, đưa đón, lưu trú… Và doanh nghiệp hầu như không được lợi nhuận từ các khoản chi phí tăng thêm này.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, rõ ràng Sơn, Hằng đã phạm tội Đưa hối lộ. Nhưng hành vi phạm tội của họ xuất phát từ những khó khăn mà không phải do họ tự gây ra. Xét cho cùng, ở một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của cơ chế xin cho trong vụ án này.

Về số tiền hơn 2,6 triệu USD mà bị cáo Sơn đưa hối lộ, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị trả lại cho Công ty Blue Sky. “Nếu pháp luật trả lại cho Sơn bao nhiêu, bị cáo sẽ hoàn trả lại hết cho những công dân mua vé của Blue Sky”, lời luật sư.

Luật sư chỉ ra 6 điểm bất hợp lý trong bản luận tội của đại diện VKS. Trong đó luật sư cho rằng, có sự bất hợp lý về đề xuất mức án giữa nhóm bị cáo phạm tội Đưa hối lộ và nhóm bị cáo phạm tội Nhận hối lộ khi mà đại diện VKS đề xuất mức án nhóm Đưa hối lộ lại cao hơn nhóm bị cáo phạm tội Nhận hối lộ.  

Được quyền tự bào chữa, bị cáo Sơn trình bày những khó khăn của doanh nghiệp thời dịch bệnh Covid-19. Khi đó, các công ty lữ hành gần như rơi vào cảnh phá sản.

Dành thời gian nói về các khó khăn của doanh nghiệp, bị cáo Sơn cho rằng: “Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin cho, nạn nhân của văn hóa phong bì”.

Bị cáo trình bày: "Mọi người nói doanh nghiệp chỉ quan tâm đến doanh thu. Vâng đúng là doanh nghiệp quan tâm đến lợi nhuận, điều đó không thể chối cãi được. Nhưng vào thời điểm đó không hoàn toàn đúng.

Bị cáo cũng có tình người, bị cáo biết được nhiều hoàn cảnh khó khăn, điều này đã thôi thúc bị cáo thực hiện càng nhiều càng tốt các chuyến bay.

Bị cáo mong HĐXX có mức án khoan hồng dành cho bị cáo và bị cáo Hằng, cùng các bị cáo nhóm doanh nghiệp được bản án khoan hồng nhất".