Cụ thể, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bình luận, “VinFast đã chứng minh cho tổ chức đầu tư lớn, nổi tiếng khắt khe như DFC thấy uy tín quốc tế, tiềm lực, đường hướng rõ ràng, khả năng thực hiện và đặc biệt là doanh nghiệp đủ tầm vóc để tạo sự thay đổi cho lĩnh vực di chuyển xanh”.
Loạt “bài thi” khó của DFC
- Tại COP28 đang diễn ra ở Doha (UAE), DFC vừa ký ý định thư tài trợ 500 triệu USD cho VinFast nhằm thúc đẩy phát triển giao thông điện hóa. Số tiền lên tới nửa tỉ USD dành cho một doanh nghiệp Việt có khiến ông bất ngờ?
500 triệu USD là khoản đầu tư lớn nhất mà DFC dành cho doanh nghiệp Việt Nam từ trước tới nay, nhưng với VinFast, thú thật tôi không quá bất ngờ bởi thực tế thời gian qua, VinFast đã chứng minh được uy tín với thế giới.
Về ý nghĩa, đây chắc chắn là khoản tài trợ tới đúng thời điểm bởi VinFast đang trong quá trình mở rộng sản xuất, kinh doanh trên quy mô toàn cầu với nhu cầu về vốn rất lớn. Trong điều kiện thị trường vốn trong nước chưa phát triển, khoản tài trợ này giúp VinFast tập trung đầu tư xây dựng dự án, hỗ trợ R&D, phát triển các công nghệ xanh, đặc biệt là công nghệ pin dành cho các loại xe điện.
Ở góc nhìn rộng hơn, việc này cũng là tín hiệu cho thấy các tổ chức quốc tế đang rất quan tâm tới doanh nghiệp Việt nói chung và VinFast nói riêng trong chuyển đổi xanh. Rõ ràng ở góc độ này, VinFast đã cho thấy uy tín, khả năng thuyết phục với các tổ chức tên tuổi bậc nhất trên thế giới.
- Để nhận được sự đồng ý của những đơn vị như DFC, VinFast phải đáp ứng các tiêu chí ra sao, thưa ông?
Với các đơn vị như DFC, họ tìm các doanh nghiệp trên toàn cầu để tài trợ và có bộ tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Các điều kiện cần xem xét của họ trải dài ở rất nhiều khía cạnh, từ mục tiêu công nghệ, tiêu chuẩn phát thải, khả năng tác động tới môi trường của dự án tới cơ hội cải thiện đời sống của người dân, khả năng mang lại thay đổi cho kinh tế, xã hội trong tương lai… Mọi yêu cầu đều phải tỉ mỉ, phù hợp với thông lệ quốc tế, minh bạch và có khả năng thực thi tốt nhất.
Quan trọng nữa, tất cả những xem xét trên không chỉ ở thời điểm dự án hoàn thành mà là đánh giá cả một quá trình, từ khi dự án được khởi tạo tới hiện tại và tương lai. Hơn thế, những tổ chức như DFC sẽ không vì một dự án riêng lẻ mà cấp tài trợ bởi họ quan tâm tới tổng thể hoạt động của cả doanh nghiệp nhận vốn trong nhiều năm. Chỉ khi đáp ứng được những yêu cầu đó, doanh nghiệp mới đủ tư cách để DFC xem xét tài trợ.
- Nhưng, làm sao để các tổ chức quốc tế lớn như DFC có thể xác minh được các thông tin trên?
Thông thường, doanh nghiệp nhận tài trợ sẽ phải nộp hồ sơ tới DFC, bao gồm tất các thông tin về dự án, một cách tỉ mỉ, bao gồm cả các đánh giá từ các cơ quan độc lập với nhiều hạng mục. Ngoài ra, như tôi nói, hồ sơ còn cần thông tin về lịch sử của doanh nghiệp trong nhiều năm.
Tất nhiên, để đảm bảo minh bạch và khách quan, đại diện DFC cũng tự tìm kiếm nguồn thông tin của riêng mình. Họ có thể đến thực địa kiểm tra, phỏng vấn để đảm bảo mọi thông tin đều được tuân thủ nghiêm ngặt. Chính vì cực kỳ khó khăn như vậy nên không nhiều doanh nghiệp có thể vượt qua được các “bài thi” của DFC.
Tầm vóc toàn cầu của VinFast
- Với những tiêu chí khó khăn trên, theo ông, VinFast có thể sớm nhận được khoản tiền tài trợ 500 triệu USD hay không bởi theo ý định thư, khoản tài trợ trên sẽ tùy thuộc vào kết quả đánh giá dự án phát triển, sản xuất pin lithium-ion của VinFast tại Việt Nam?
Không có gì để nghi ngờ về khả năng của VinFast. Nếu xét riêng lẻ về phát triển pin xe điện với dự án tại Hà Tĩnh, theo tôi biết, đây là dự án hiện đại bậc nhất khu vực với tiêu chuẩn kĩ thuật, công nghệ, khả năng đáp ứng yêu cầu về an toàn môi trường hàng đầu.
Nhìn rộng hơn, chúng ta đều thấy VinFast có những tiêu chuẩn về công nghệ, môi trường được đầu tư nghiêm túc ngay từ đầu với nhà máy tại Hải Phòng cũng như các hoạt động khác. Đặc biệt, hiếm có doanh nghiệp nào trên thế giới cho thấy quyết tâm và tầm nhìn chuyển đổi sang thuần điện sớm như VinFast. Đó là hướng đi không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mà đã truyền cảm hứng, tạo sự thúc đẩy chuyển đổi với cả nền công nghiệp ô tô, từ đó mang lợi lợi ích to lớn cho thế giới. Đó là yếu tố VinFast chắc chắn được đánh giá rất cao trong mắt các tổ chức quốc tế.
- Trước DFC, VinFast cũng nhận được sự tin tưởng đồng hành của các đối tác lớn như ADB, Credit Suisse, Citigroup... Theo ông, điểm chung nào ở VinFast thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức quốc tế lớn này?
Các tổ chức đầu tư lớn họ rất sành sỏi. Họ không quan tâm doanh nghiệp tới từ đâu mà chỉ nhìn vào thực lực, sự minh bạch, khả năng thực thi và họ biết VinFast làm được gì trong thực tế.
Đặc biệt, với những tổ chức nổi tiếng khắt khe và quan tâm tới phát triển bền vững như DFC, những yếu tố như tôi nói về uy tín quốc tế, tiềm lực, đường hướng, khả năng thực hiện dự án là chưa đủ. Doanh nghiệp được chọn như VinFast còn phải thực sự đột phá và đủ tầm vóc để tạo sự thay đổi cho lĩnh vực di chuyển xanh ở quy mô thế giới. Tôi tin đó là giá trị vượt khỏi ranh giới một dự án kinh doanh mà không chỉ DFC mà nhiều tổ chức quốc tế đều nhìn thấy ở VinFast.
- Sau những khoản tài trợ lớn, ông nghĩ gì về triển vọng của VinFast trong hành trình tiến ra thế giới?
Tôi luôn tin rằng VinFast nắm giữ cơ hội lớn trong hành trình phát triển toàn cầu bởi định hướng và quyết tâm đáng nể của một doanh nghiệp Việt có tầm vóc. Tuy nhiên, để đạt được thành tựu mạnh mẽ hơn nữa trên thế giới, những doanh nghiệp có tầm nhìn, có khát vọng dân tộc mang dấu ấn Việt Nam ra toàn cầu như VinFast cần được tạo “hậu phương” tốt ngay từ trong nước, đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước.
Rất nhiều vấn đề cần sự chung tay như phát triển hệ thống trạm sạc, chính sách khuyến khích người dùng chuyển đổi sang phương tiện xanh… Đây không phải chuyện ưu đãi hay hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể nào mà cho cả lĩnh vực công nghiệp ô tô và rộng hơn là nền kinh tế nước nhà.
Ngoài ra, những doanh nghiệp tiên phong vươn ra thế giới như VinFast cũng cần sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dùng. Đó sẽ là nguồn sức mạnh tổng lực to lớn để giúp những sản phẩm mang thương hiệu Việt đi nhanh, đi xa hơn hơn trong hành trình tiến ra thế giới.