Về phương diện đầu tư, phía Việt Nam đề xuất Trung Quốc cần có những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, được triển khai theo đúng thỏa thuận của hai bên để tránh tình trạng dự án chậm tiến độ, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng về xã hội.

Lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực, trình độ công nghệ cao sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. 

Các nhà đầu tư Trung Quốc tăng rót vốn đầu tư vào lĩnh vực dệt may

Trên thực tế, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay đã có sự tăng trưởng nhanh liên tục, thậm chí vài năm gần đây tăng đột biến.

Trung Quốc đã vươn từ vị trí top 15 lên top 10 nước có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng năm nay, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,7 tỉ USD, đứng thứ 4 sau Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Một số dự án đầu tư lớn hàng trăm triệu USD đã xuất hiện như Dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời, tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang, Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR, dự án Nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD tại Khu công nghiệp Tây Ninh...

Năm 2017, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế thương mại, kết nối năng lực sản xuất, kết nối BRI với hai hành lang, một vành đai, khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Đây là cơ sở để thúc đẩy hợp tác kinh tế nói chung và đầu tư trực tiếp nói riêng giữa hai nước tiếp tục phát triển. 

Thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng và thuận lợi hóa thương mại 

Với lĩnh vực thương mại, tại các cuộc hội đàm của lãnh đạo cấp cao hai nước, phía Trung Quốc khẳng định sẵn sàng thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, ổn định; Khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thành lập thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. 

Từ cuối năm 2013 đến nay, hai nước đã ký gần 30 hiệp định, văn kiện liên quan đến thương mại, đầu tư. 

Để tạo thuận lợi cho quá trình thông quan hàng hóa, kết nối về cơ sở hạ tầng ở khu vực cửa khẩu, thuận tiện hóa thủ tục thông quan được tích cực triển khai trong những năm gần đây. 

Việc kết nối này được thúc đẩy thông qua hai cơ chế hợp tác quan trọng của 7 tỉnh biên giới Việt Nam với Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc đã có từ trước đó. Đến nay, quá trình kết nối này đã có kết quả rõ rệt, phục vụ trực tiếp cho giao lưu, thương mại giữa hai nước. 

Mỗi ngày, các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt - Trung có hàng nghìn lượt xe container xuất nhập khẩu. Một số công trình hạ tầng quan trọng đã hoàn thành như cầu Bắc Luân 2 (tháng 9/2017), cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (2017).

Từ năm 2016-2018, 3 cặp cửa khẩu phụ đã được nâng cấp lên thành cửa khẩu chính (Chi Ma (Lạng Sơn) - Ái Điểm (Trung Quốc); Xín Mần (Hà Giang) - Đô Long (Trung Quốc); Sóc Giang (Cao Bằng) - Bình Mãng (Trung Quốc); bảy cặp cửa khẩu giữa Lạng Sơn và Quảng Tây đã hoàn thành kết nối đường giao thông vận chuyển, kết nối tuyến đường chuyển tải hàng hóa từ cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) đến Khu Kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc) ...

Kết nối về đường sắt được đánh dấu bằng việc cuối năm 2017 khai trương hai tuyến tàu chở hàng bằng container Hà Nội - Đồng Đăng đến Quảng Tây, Giang Tây của Trung Quốc và từ Hải Phòng đi Vân Nam, góp phần rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển (tuyến Hà Nội đi Quảng Tây, Giang Tây có hành trình 4 ngày, trong khi vận chuyển bằng đường biển mất 15 ngày). Các tàu hàng này chở sản phẩm nội thất văn phòng, thực phẩm, phụ tùng linh kiện ôtô, hàng điện tử, hoa quả trên container lạnh, phân bón từ Trung Quốc về Việt Nam và chở nông sản, khoáng sản, sản phẩm điện tử... Việt Nam sang Trung Quốc. 

Tuyên bố chung 2022 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Từng bước giảm nhập siêu, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam 

Qua các cuộc hội đàm, phía Việt Nam đề xuất từng bước giảm nhập siêu của Việt Nam, đưa ra giải pháp cả trước mắt và lâu dài, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp như: 

Phía Trung Quốc cần tạo điều kiện để tăng cường thương mại chính ngạch, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với một số loại hoa quả của Việt Nam.

Khắc phục tình trạng hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua thương mại tiểu ngạch rủi ro cao và không ổn định.

Sớm hoàn thành thủ tục nâng cấp và mở mới các cặp cửa khẩu đã đủ điều kiện, phối hợp chặt chẽ ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường của nhau.

Tạo thuận lợi cho triển khai hoạt động của các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Hàng Châu... 

Các bộ ngành và địa phương của Việt Nam tích cực, chủ động hơn trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật. Bộ Công thương, các địa phương biên giới, các địa phương có mặt hàng nông sản thế mạnh như Bắc Giang, Quảng Nam… đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư thương mại song song với hướng dẫn nông dân sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc cả về chất lượng và mẫu mã. 

Kết quả là năm 2015, thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, năm 2016, 22 doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, năm 2017, hai thương hiệu nổi tiếng về cà phê và sữa của Việt Nam chính thức vào thị trường Trung Quốc... 

Tuyên bố chung năm 2022 vẫn đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển thương mại theo hướng an toàn, lành mạnh, cân bằng, thuận lợi. “Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước. Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho khoai lang, các loại hoa quả có múi, tổ yến và một số nông thủy sản của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho sữa của Trung Quốc”.

Từ ngày 8/9/2022, sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc đã cấp cho Việt Nam 10 loại quả được xuất khẩu chính ngạch gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Ngoài ra, còn có 2 sản phẩm trồng trọt được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là ớt và thạch đen. Tiến trình hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường Trung Quốc cho khoai lang tím, tổ yến đang ở giai đoạn cuối cùng. 

Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy phía Trung Quốc mở cửa thị trường cho các loại trái cây khác như chanh leo, bưởi, roi, na. Nhân chuyến thăm, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, mở đường cho mặt hàng chuối được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong tương lai. 

Thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục

Trong các tuyên bố chung, thông cáo chung, hai bên luôn coi trọng và nhấn mạnh tăng cường giao lưu, hợp tác liên quan đến văn hóa giáo dục, giao lưu nhân dân.

Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh. Ảnh: Hội LHS cung cấp

Về giáo dục, hàng năm, Chính phủ Trung Quốc cấp học bổng cho công dân Việt Nam ở các cấp bậc đào tạo từ đại học trở lên. Năm 2021 Chính phủ Trung Quốc cấp 44 học bổng toàn phần cho công dân Việt Nam đi học tiến sĩ, thạc sĩ và đại học tại Trung Quốc. Hiện nay có khoảng 11000 học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và khoảng 2.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam. 

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, phía Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc, và không dưới 1.000 suất học bổng dành cho giáo viên tiếng Trung Quốc; giúp đỡ Việt Nam bồi dưỡng nhân tài chất lượng cao và giáo viên tiếng Trung Quốc.

Hai nước cũng hình thành thêm các cơ chế mới song song với mở rộng quy mô của các cơ chế cũ nhằm thúc đẩy giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân như Diễn đàn nhân dân Việt - Trung do Liên hiệp Hữu nghị và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc phối hợp luân phiên tổ chức tại Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2010, tham gia Diễn đàn là các chuyên gia, học giả và nhân sỹ hai nước - những người có nhiều hiểu biết, nghiên cứu và quan tâm đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt-Trung. Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung được tổ chức luân phiên đều đặn từ năm 2000. Đến nay, quy mô của cuộc gặp gỡ lên đến hàng trăm đại biểu với nhiều hoạt động phong phú và nhận được sự coi trọng của lãnh đạo hai nước. Ngoài ra còn có Liên hoan hữu nghị nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới... 

Trong những năm gần đây, phía Trung Quốc đã chú trọng hơn đến việc xây dựng hình ảnh, tuyên truyền hướng đến xây dựng cơ sở xã hội của mối quan hệ. Đại sứ quán Việt Nam, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đều có facebook bằng tiếng Việt. Mấy năm gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí thường kỳ để thông tin kịp thời về tình hình Trung Quốc và quan hệ Việt – Trung; thực hiện một số dự án giúp cải thiện dân sinh ở vùng khó khăn của Việt Nam. 

Đây là cách tiếp cận mới của Trung Quốc đối với quan hệ Việt - Trung trong những năm gần đây nhằm phát huy sức lan tỏa của sự tin cậy “từ dưới lên” thay vì chủ yếu “từ trên xuống” như trước đây.

Về địa phương, 50 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh/thành phố/khu tự trị của Trung Quốc. Các cơ chế, chương trình giao lưu hợp tác giữa địa phương hai nước được tổ chức thường xuyên.

Phương Nguyễn