Thông tin này được đưa ra trong nghiên cứu mới nhất do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và các đối tác thực hiện được công bố ngày 4/2.
Nghiên cứu một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của nữ ĐBQH trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021.
Bà Ksor H'Bơ Khắp là một trong những nữ ĐBQH khóa XIV được nhiều cử tri biết đến với những phát ngôn, tranh luận thẳng thắn, ấn tượng. |
Theo ông Robin Bednall, Quyền tham tán kinh tế và hợp tác phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, trong năm 2020, phụ nữ trên khắp thế giới đã gánh vác rất nhiều việc quan trọng và cấp thiết do tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, nghiên cứu về năng lực, đóng góp, vị thế và tiếng nói của phụ nữ vô cùng kịp thời.
Quốc hội khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội, và 26,7% đại biểu là nữ. Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65/162 quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ ĐBQH.
Nghiên cứu “Vai trò của nữ ĐBQH trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021”cho thấy, nam ĐBQH chủ động hơn trong việc tiếp xúc với cử tri, song nữ ĐBQH tiếp xúc với cử tri qua mạng xã hội thường xuyên hơn nam đại biểu.
Trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn tới các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo; y tế; văn hoá, thể thao và du lịch; dân tộc; lao động thương binh và xã hội; tôn giáo và tín ngưỡng hơn so với nam đại biểu.
Nghiên cứu cũng cho thấy, không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ đại biểu về thời gian dành cho các hoạt động với tư cách ĐBQH cũng như trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của cử tri.
Về phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ, tỷ lệ nữ đại biểu coi trọng phẩm chất “phát ngôn đúng mực” và “có khả năng thuyết phục” cao hơn so với nam đại biểu.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng nhìn nhận, lợi ích của cử tri tại địa phương họ ứng cử là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định của cả nam và nữ ĐBQH khi đại biểu tham gia ý kiến về một vấn đề cụ thể.
Đồng thời, nguyện vọng của cử tri là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến việc thực hiện nhiệm vụ của cả nam và nữ ĐBQH. Cả nam và nữ ĐBQH đồng tình rằng nữ đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các vực giáo dục, y tế, lao động và việc làm.
Nghiên cứu khuyến nghị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 26, Trung ương 7 (Khóa XII), đó là đến năm 2030 phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Cụ thể, cấp ủy viên các cấp phải đạt từ 20 - 25% là nữ; ĐBQH, HĐND các cấp đạt trên 35% là nữ.
Thu Hằng
Khóa mới phấn đấu có 25 - 50 Đại biểu Quốc hội là người ngoài đảng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cơ cấu ĐBQH khóa mới phấn đấu người ngoài đảng từ 25-50; đại biểu dưới 40 tuổi khoảng 50; tái cử khoảng 160 người.