Một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là khát vọng lớn lao của toàn nhân loại, là mục tiêu cao cả mà mỗi quốc gia đều mong muốn hướng tới. Hợp tác với LHQ luôn giữ một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nói chung và trong đối ngoại đa phương nói riêng.

Chẳng thế mà Điều phối viên thường trú LHQ Pauline Tamesis đánh giá cao sự năng động và đóng góp tích cực của Việt Nam trong vai trò là thành viên của LHQ trong 45 năm qua, cũng như những cam kết gần đây của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26.

"Quan hệ Việt Nam-LHQ là mối quan hệ hợp tác "rất bền chặt và đặc biệt", giúp hai bên cùng nhau vượt qua thách thức toàn cầu đã qua cũng như chuẩn bị sẵn sàng hơn cho những thách thức sắp tới", bà Pauline Tamesis phát biểu hồi tháng 4 vừa qua, trong buổi làm việc tại trụ sở Chính phủ.

Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ năm 1977, hợp tác Việt Nam - LHQ đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều ý nghĩa và kết quả thiết thực cho cả hai bên.

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, LHQ là diễn đàn quốc tế quan trọng hàng đầu để chúng ta tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong công cuộc đổi mới, các chương trình, dự án của LHQ đã góp phần giúp Việt Nam phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Những đóng góp quý báu về tri thức, tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật của hệ thống LHQ đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Vào thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn về vaccine và thiết bị y tế của LHQ, trực tiếp thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình COVAX, góp phần kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn, tiến tới đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Ảnh minh hoạ

Về phía mình, Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của LHQ trong suốt 46 năm qua và ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động ở cả 3 trụ cột chính của LHQ là hoà bình-an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người.

Cụ thể, trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất vào công việc của LHQ, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối các hành động áp bức, xâm lược, chính trị cường quyền, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.

Trong hai lần đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã đề cao cách tiếp cận đa phương và tinh thần nhân văn, hướng tới người dân trong giải quyết các cuộc xung đột, đề xuất nhiều giải pháp toàn diện cho các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và ASEAN về duy trì hoà bình, an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Từ năm 2014 đến nay, đã có hơn 700 lượt sĩ quan quân đội và công an Việt Nam đi làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hoà bình LHQ tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Abyei và tại Trụ sở LHQ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở những vùng đất xa xôi, không quản khó khăn, gian khổ, thực sự trở thành "những sứ giả của hoà bình, hữu nghị" ở mỗi địa bàn đóng chân.

Trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam luôn ủng hộ xây dựng một trật tự kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế công bằng, bình đẳng, bao trùm và dựa trên luật lệ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển. Việt Nam là điển hình thành công trong hoàn thành các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Việt Nam còn được LHQ đánh giá cao thông qua mô hình hợp tác Nam-Nam hiệu quả, việc triển khai sáng kiến "Thống nhất hành động" về cải tổ hệ thống phát triển LHQ và đặc biệt là cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu, phấn đấu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội và các quyền cơ bản của người dân, nhất là trước tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19. Tại các diễn đàn LHQ, chúng ta đã tích cực đóng góp tiếng nói cân bằng, đề cao đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt, không chính trị hoá các vấn đề nhân quyền.

Trong cuộc bầu cử do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 cùng 14 nước khác. Là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho nhiệm kỳ này, Việt Nam đã thúc đẩy thông điệp ứng cử "Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả các quyền con người cho Tất cả mọi người" được các nước hưởng ứng, ủng hộ.

Việc chủ động, tham gia sâu rộng vào các hoạt động ở cả 3 trụ cột chính của LHQ là là những minh chứng sống động, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong quản trị toàn cầu và điều phối dẫn dắt các nỗ lực đa phương, giải quyết các thách thức chung; khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp hết sức mình cho công việc chung của Liên Hợp Quốc và vì hoà bình, an ninh và phát triển bền vững trên thế giới.

Thu Thuỷ