Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta.
Theo các nhà ngoại giao, hình tượng, cốt cách ấy của cây tre rất gần gũi với nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, thủy chung, chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại.
Với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống vẻ vang, sứ mệnh của ngoại giao Việt Nam là luôn “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, đi tiên phong góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, giúp đất nước vượt qua những rủi ro, thách thức, đặt đất nước vào vị trí thuận lợi nhất trong dòng chảy của thời đại.
Với cốt cách của cây tre, trước một thế giới cạnh tranh chiến lược gay gắt của các nước lớn, Việt Nam luôn kiên định nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, vì chính nghĩa. Chính điều này khiến Việt Nam luôn được các nước nể trọng và đánh giá cao.
Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao Thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao nhà nước là lực lượng chủ công, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các binh chủng làm đối ngoại là ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế đối ngoại và các lĩnh vực khác. Chính sự kết hợp chặt chẽ những trụ cột và binh chủng này đã, đang và sẽ “nên lũy, nên thành”, tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, cây tre Việt Nam, cũng như ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển. Nhân dịp này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đúc kết nội hàm văn hóa ngoại giao với bốn đặc trưng nổi bật là: kiên định trong mục tiêu, nhân văn trong cốt cách, rộng mở trong tinh thần và linh hoạt trong hành động.
Có thể thấy được ở tre Việt Nam những nội hàm ấy. Và ngược lại, những ý niệm về tre đều có giá trị phóng chiếu tới nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và toả sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.