Chiều 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Việt Nam đến Thủ đô Viêng Chăn (Lào) dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra vào ngày mai 5/4.

Chủ đề của hội nghị lần này là “Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”.

Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kiểm điểm quá trình 4 năm hoạt động của ủy hội kể từ hội nghị cấp cao lần thứ 3. Hội nghị đồng thời là cơ hội để tiếp tục khẳng định cam kết cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.

Sáng 2/4, tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã khai mạc Hội nghị Quốc tế Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triền bền vững của lưu vực sông Mekong”. Ảnh: VOV

Từ đó, các nhà lãnh đạo xác định lĩnh vực ưu tiên cho những hoạt động trong khuôn khổ hợp tác trong ủy hội trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong xu thế đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trước thách thức do tự nhiên và con người gây nên.

Đây cũng là sự kiện chính trị cấp cao của 4 nước trong tiểu vùng Mekong, khẳng định vai trò quan trọng của ủy hội, tăng cường quan hệ giữa 4 nước thành viên và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức quốc tế và khu vực, đối tác đối thoại, đối tác phát triển và cộng đồng nhà tài trợ.

Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế được tổ chức từ năm 2010, theo cơ chế luân phiên 4 năm/lần tại các nước thành viên Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam vào ngày 5/4 .  

Hội nghị cấp cao lần thứ nhất được tổ chức tại Thái Lan vào ngày 5/4/2010 với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu, Giữ cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công”.

Hội nghị cấp cao lần thứ hai được tổ chức vào ngày 5/4/2014 tại TP.HCM, (Việt Nam) với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mekong”.

Hội nghị cấp cao lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 5/4/ 2018 tại Thành phố Siêm Riệp (Campuchia) với chủ đề “Tăng cường các nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”.

Việt Nam xác định phải là thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất

Nhìn lại chặn đường từ khi thành lập ủy hội đến nay (từ 5/4/1995), Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng và tích cực vào các thành tựu của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Cụ thể, Việt Nam đã xác định mục tiêu hợp tác Mekong, thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995. Trong đó bao gồm việc đảm bảo sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong, vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng và toàn lưu vực sông Mekong nói chung.

Hay như việc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của hoạt động phát triển ở thượng nguồn, bao gồm cả công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong về phía hạ du và tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam...

Với vị thế là quốc gia cuối nguồn và phải chịu tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động phát triển ở thượng nguồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xác định hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế là một cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, có cơ cấu thể chế truyền thống lâu dài và ổn định. Trong đó, quan trọng hơn cả là cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mekong đầy đủ duy nhất trong khu vực. 

Ủy hội cũng được coi là diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh nguồn nước quốc gia nói chung. 

Vì vậy, Việt Nam xác định phải là thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất, có tính xây dựng nhất để có thể kêu gọi các quốc gia thành viên khác góp phần thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 và tuân thủ quy định của ủy hội. 

Cho tới nay, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị rất cao, vai trò của một quốc gia thành viên hết sức tích cực và xây dựng trong tham gia hoạt động của ủy hội trên tất cả các cấp và diễn đàn, lĩnh vực hợp tác…

Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong ủy hội trên các diễn đàn quốc tế và đa phương.

 Việt Nam luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia sông Mekong, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực; quan tâm lợi ích chính đáng của tất cả quốc gia sông Mekong.

Đồng thời, Việt Nam thúc đẩy hợp tác với 2 quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar và đã được các bên tham gia chấp thuận như việc nhất trí, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Có thể thấy, những đóng góp cụ thể của Việt Nam qua việc tham gia trong xây dựng và triển khai các văn bản pháp lý, chiến lược của ủy hội; tích cực đóng góp chia sẻ thông tin, số liệu.

Đặc biệt là đóng góp chuyên gia và kỹ thuật cho Ban Thư ký Ủy hội, cử nhiều chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm đến làm việc tại Ban Thư ký nhằm xây dựng nguồn cán bộ ven sông cho Ban Thư ký và triển khai quá trình “ven sông hóa” của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế...

Ủy hội sông Mekong quốc tế được thành lập theo Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (ký ngày 5/4/1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam). 

Trong gần 30 năm qua kể từ khi thành lập, được sự hỗ trợ và đóng góp tài chính tích cực của quốc gia thành viên, các quốc gia tài trợ và tổ chức quốc tế, ủy hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển ở mỗi quốc gia thành viên.

Đồng thời, qua đó tăng cường hợp tác lưu vực trong nhiều lĩnh vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, liên kết giao thông thuỷ, sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và mở rộng hợp tác với hai nước thượng lưu là Trung Quốc, Myanmar, đối tác phát triển, cộng đồng tài trợ và nhiều đối tác quốc tế khác.