Việt Nam cùng với hơn 40 quốc gia khác đã tham gia Bản cam kết toàn cầu tự nguyện vì “Mỗi trẻ em, mỗi quyền của trẻ em”. Đại Hội đồng LHQ đã thông qua Công ước Quyền Trẻ em - văn kiện quyền con người được nhiều quốc gia phê chuẩn nhất trên thế giới - vào năm 1989.

Không phải chỉ khi tham gia Bản cam kết toàn cầu tự nguyện vì “Mỗi trẻ em, mỗi quyền của trẻ em”, mà trong thực tế, Việt Nam luôn dành mọi nỗ lực để bảo đảm trẻ em được học tập, kể cả trong những năm tháng chiến tranh.

Nhìn lại công tác trẻ em năm nay, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm giữa kỳ thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em, các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện.

W-anhminhhoa.png

Cục Trẻ em đã kịp thời tham mưu, phối hợp ban hành và trực tiếp ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác trẻ em, giải quyết các vấn đề nóng về trẻ em (phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn đuối nước ở trẻ em). Đồng thời phối hợp với Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu trình Bộ Chính trị về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về việc tăng cương sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới (Tờ trình số 156-TTr/BTGTW ngày 06/6/2023).

Năm 2023, Cục Trẻ em đã Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 02 Quyết định: Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030; Quyết định số 1080/QĐ-TTg ngày 15/9/2023 phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em.

Đặc biệt năm 2023, Cục đã triển khai ký kết 02 quy chế/chương trình phối hợp liên ngành: Quy chế số 2236/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-YT-CA ngày 16/6/2023 giữa 4 Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công an về phối hợp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; và Chương trình phối hợp số 386/CTr-CTE-QBT-CT ngày 04/7/2023 giữa 3 đơn vị: Cục Trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Cục Chính trị quân chủng Hải Quân về phối hợp thực hiện hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”.

Về Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em, nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho trẻ em vẫn được triển khai một cách thiết thực, và hiệu quả. Tháng hành động Vì trẻ em và ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố có: 2.466 điểm tổ chức Lễ phát động với 598.784 trẻ em tham dự; 272 công trình được xây mới và nâng cấp; 459.701 trẻ em được tặng quà (kinh phí 30,1 tỷ đồng); 13.877 trẻ em được cấp học bổng trị giá 9,4 tỷ đồng; 66.654 trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí tổng kinh phí 7,1 tỷ đồng. Ngân sách dành cho Tháng hành động vì trẻ em là 96,5 tỷ đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ cho 17,8 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Công tác truyền thông tiếp tục được Cục tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn địa phương theo hướng mở rộng đối tượng tiếp cận truyền thông với mục đích là truyền thông đến từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Việc theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận xã hội được thực hiện thường xuyên.

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII được tổ chức với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” từ ngày 05 - 08/8/2023 tại Hà Nội với 188 trẻ em đại diện cho trẻ em của 43 tỉnh, thành phố và 04 đơn vị (Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hội người Mù Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, các Làng trẻ em SOS các tỉnh, thành phố). Tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, các em đã được gặp gỡ, giao lưu với các đồng chí Lãnh đạo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức (điểm mới của Diễn đàn lần này); chia sẻ, thảo luận, bày tỏ ý kiến, quan điểm, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

Nhân dịp Tết Trung thu, Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương đã tham dự Tết Trung thu, chia vui cùng trẻ em; thăm hỏi, khích lệ, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đang điều trị tại bệnh viện. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Quân khu 7 và nhiều cơ quan, đơn vị , tổ chức, nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư đã chung tay góp công, góp quà để mang ngày hội Trung thu đến với mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường (có 30 tỉnh, thành phố được kiểm tra trong năm 2023), đặc biệt kiểm tra liên ngành, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em để có thêm cơ sở đánh giá, sơ kết giữa kỳ việc thực hiện. Kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em.