- Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.

Việt Nam cũng sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ công bố INDC của Việt Nam sáng 12/10 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Văn.

Những nội dung trên là cam kết trong Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (IDNC) của Việt Nam được Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) công bố sáng nay, 12/10 tại Hà Nội.

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 19 (COP19) tại Ba Lan năm 2013 đã kêu gọi tất cả các bên xây dựng INDC trong đó, đề xuất các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần đạt được mục tiêu của Công ước khí hậu là giữ cho nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Việc xây dựng và đệ trình INDC là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các bên tham gia UNFCCC và theo yêu cầu phải được đệ trình trước 1/10/2015. Đây sẽ là đầu vào quan trọng cho quá tình chuẩn bị đàm phán tại COP21 diễn ra tại Paris, Pháp vào cuối năm nay.

Ở Việt Nam, công việc này được Chính phủ giao cho Bộ TNMT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng từ giữa năm 2014. Đến 30/9, INDC của Việt Nam đã được gửi tới Ban thư ký Công ước.

Phát biểu tại Hội thảo Công bố INDC của Việt Nam sáng nay, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà khẳng định, trong điều kiện của Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, chịu nhiều tác động của BĐKH, INDC thể hiện nỗ lực cam kết trách nhiệm của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH.

Thông qua việc xây dựng và đệ trình INDC, Việt Nam một lần nữa khẳng định quyết tâm, nỗ lực cao nhất để cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH dựa trên nguồn lực trong nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Bộ TNMT nói.

Theo ông Hà, bên cạnh việc công bố INDC của Việt Nam, hội thảo còn là cơ hội để xác định những điều kiện, những hoạt động cần thiết cần triển khai để Việt Nam hoàn thành những dự kiến đóng góp đã nêu trong INDC trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Kirsten Hegener, Phó giám đốc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) Việt Nam, một trong những đơn vị hỗ trợ Bộ TNMT hoàn thiện INDC, khẳng định, với việc đệ trình INDC sớm, Việt Nam đã đóng góp một cách công bằng và đầy tham vọng cho các đàm phán hướng tới Thỏa thuận Khí hậu mới, dự kiến sẽ được hoàn thành tại Paris vào cuối năm nay. Bà Hegener cũng khẳng định GIZ vẫn tiếp tục và sẽ hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam trong việc xây dựng lộ trình thực hiện INDC trong thời gian tới.

INDC của việt Nam cung cấp các thông tin cơ bản về mức đóng góp của Việt Nam và giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH dự kiến thực hiện đến năm 2030. Các đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tập trung vào các lĩnh vực năng lượng (gồm cả giao thông), nông nghiệp (gồm cả sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp) và chất thải. Các đóng góp về thích ứng BĐKH tập trung vào nông nghiệp, tài nguyên nước, lâm nghiệp ở vùng đồng bằng, ven biển, vùng núi và đô thị.

P.V