Bác sĩ Dũng, 50 tuổi, hiện là Trưởng khoa Tế bào - Tổ chức học của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Viện có nhiều y bác sĩ tham gia hiến máu trong dịp Tết, nhưng bác sĩ Dũng được xem là một trong những người có “duyên hiến máu” vào mùng 1 Tết nhất.
Lần hiến máu đầu tiên của bác sĩ Dũng diễn ra năm 1994, khi còn sinh viên trường Đại học Y Hà Nội. Chàng sinh viên 20 tuổi khi đó là một trong những người đầu tiên thành lập nên Hội Thanh niên hiến máu tình nguyện Hà Nội.
“Hồi đó không ai muốn cho máu, vừa mệt, vừa không có tiền, thậm chí có nhiều người nghĩ cho đi 'cái đỏ' thì sẽ rước đen đủi vào người”, bác sĩ Dũng nhớ lại ngày cách đây 30 năm. Để vận động người khác hiến máu, những người như anh phải “hiến mồi”, để chứng minh rằng: hiến máu không ảnh hưởng sức khỏe.
Năm 1999, chàng sinh viên y khoa đã trở thành bác sĩ Dũng của Viện Huyết học và Truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Một buổi trực khoa tối mùng 1, bác sĩ 25 tuổi nhận được điện thoại từ nhà C7 gọi đến, báo tin cần máu hiến gấp để cứu bệnh nhân suy tủy xương đang rất cần máu.
25 năm trước, bệnh suy tủy xương chưa có thuốc đặc hiệu, chưa có ghép tế bào gốc. Sự sống bệnh nhân phụ thuộc vào việc truyền máu, hồng cầu, tiểu cầu.
Bệnh nhân mới được ra viện 10 ngày trước. Thời điểm đó, nếu bệnh nhân được ra viện ngày 20 Tết, lượng máu, hồng cầu, tiểu cầu truyền vào chỉ đủ dùng cho khoảng 10-14 ngày, nghĩa là bệnh nhân phải trở lại viện vào ngày mùng 1, hoặc mùng 2, mùng 3.
Bệnh nhân nằm trên giường, mệt mỏi suy kiệt, lượng huyết sắc tố giảm chỉ còn bằng một nửa người bình thường. Thiếu hồng cầu, tiểu cầu, nếu không được truyền máu kịp, bệnh nhân có nguy cơ bị ngất, thậm chí xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Nhưng ngày Tết, kho máu trong viện luôn cạn kiệt. Bệnh viện huy động người nhà hiến máu cứu bệnh nhân, nhưng với người suy tủy xương, các thành viên trong gia đình đều đã hiến máu nhiều lần. Vậy nên thời điểm đó, họ không thể hiến thêm vì không đủ điều kiện, hoặc ở quá xa.
“Các thầy thuốc được huy động hiến máu để cứu bệnh nhân. Tôi vén tay áo, hiến ngay 300ml máu trong ca trực”, bác sĩ Dũng nhớ lại. Đó là cái Tết đầu tiên anh hiến máu, cũng là bệnh nhân duy nhất bác sĩ Dũng biết được máu của mình đã cứu ai.
Được truyền máu, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, cầm cự duy trì chức năng sống trong vài ngày, nhưng để ổn định, cần rất nhiều lượng máu hiến từ nhiều người…
Theo vị bác sĩ, không ít người vẫn cho rằng hiến máu sẽ đen đủi, chưa nói chuyện hiến máu dịp Tết. Anh nhớ lần lên Lai Châu công tác cách đây 16 năm, có trường hợp 3 bố con ăn phải lá rừng, bị tan máu, trên đường đi cấp cứu một bé mất đột ngột, người bố và bé còn lại được đưa đến viện.
Thầy thuốc huy động gia đình hiến máu để truyền cho bệnh nhân, người nhà còn yêu cầu bác sĩ phải cam đoan: "Nếu người nhận máu qua đời thì cũng không ảnh hưởng sức khỏe người hiến. Người dân khi đó vẫn quan niệm: Máu của mình cho người khác mà họ bị làm sao thì sẽ bị… ma dính theo".
25 năm làm bác sĩ, hiến máu đã thành thói quen, gần như Tết năm nào bác sĩ Dũng cũng tham gia. Có nhiều năm, bác sĩ Dũng là người “xông đất” phòng hiến máu Viện Huyết học.
10 năm về trước, cứ dịp cận Tết thường bị khan hiếm máu, thầy thuốc có đủ điều kiện sẽ hiến máu ngay trước Tết phục vụ điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân, vì thế trong Tết họ không thể tiếp tục hiến. Về sau, khi kho máu dự trữ đủ, bác sĩ Dũng và nhiều đồng nghiệp thường xuyên hiến máu vào dịp Tết, ngay khi kết thúc ca trực của mình. “Cứ khi giao ca xong (7h30), tôi lại xuống tầng 2 hiến máu, như một thói quen”, anh chia sẻ.
“Hơn 10 năm nay, cứ trực Tết từ mùng 1 đến mùng 4 tôi đều tham gia hiến máu”, anh kể. Đặc biệt, trong 10 năm liền, đây cũng là vị bác sĩ có bề dày 5 năm liền trực đêm 30 tới sáng mùng 1, chỉ nghỉ 1 năm không trực đêm Giao thừa, rồi tiếp tục chuỗi nhiều năm trực mùng 1 và hiến máu.