Tại họp báo về Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM 2024, sẽ diễn ra từ 11-14/4 tại Hà Nội, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay, trước đây, các đơn vị lữ hành thường chào bán tour du lịch nội địa giảm giá 10-20%, thậm chí 30-50% trong thời gian diễn ra hội chợ.
Ví như, một tour đi Mỹ giá từ 100-120 triệu cho hành trình 15 ngày có công ty giảm còn 70-80 triệu đồng, từ đó thu hút và kéo khách đến hội chợ.
Nhưng việc giảm giá này, theo ông Bình, là khó kéo dài. Dù có ý kiến hô hào, tiếp tục tung ra các tour kích cầu, giá rẻ nhưng trên thực tế Hiệp hội và các doanh nghiệp không ủng hộ. Ông lý giải, du lịch có chất lượng, đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho khách mới là quan trọng.
“Nếu kéo tất cả khách chạy theo du lịch giá rẻ sẽ lặp lại tình trạng du lịch 0 đồng mà chúng ta đang cố gắng xóa bỏ”, ông Bình nói.
Do đó, mức khuyến mại tùy thuộc các công ty lữ hành, tùy vào thời điểm. Các doanh nghiệp có thể chỉ giảm 20-30% giá tour trong 4-5 ngày hội chợ, sau đó ngừng hẳn.
Ngoài ra, giá tour năm nay khó giảm, thậm chí còn tăng, là bởi giá vé máy bay khan hiếm, đắt đỏ.
Đại diện Vietnam Airlines, bà Lê Thị Tố Linh - Phó trưởng phòng Thương mại hành khách, cho hay, hãng sẽ có chương trình giảm giá, cao nhất là 15%, cho khách bay nội địa tham dự trực tiếp tại hội chợ VITM 2024.
Để ưu đãi cho nhóm nhỏ, hãng cũng tung ra 10.000 combo vé khuyến mãi cho khách đi từ 4 người trở lên. Tuy nhiên, du lịch nội địa chủ yếu giảm giá vào mùa thấp điểm, khoảng tháng 9-10, còn chặng bay quốc tế sẽ có nhiều vé rẻ hơn, đặc biệt tới các thị trường hãng mới mở đường bay.
Với các công ty du lịch, đại diện Vietnam Airlines cho rằng cần có sự hợp tác hai bên. Hãng có giá vé máy bay ưu đãi nhưng du lịch cũng cần đàm phán để có giá landtour tốt, từ đó có giá tour hợp lý cho khách.
Trên thực tế, các công ty du lịch đang than trời về giá vé máy bay cao. Việc thiếu tàu bay, như 44 tàu bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air phải bảo dưỡng từ 6 tháng đến 1 năm do động cơ lỗi; Bamboo Airways dừng khai thác 2/3 số tàu bay do tái cơ cấu; Pacific Airlines trả hết tàu bay để xóa nợ và Vietravel Airlines có 3 máy bay, khiến tải cung ứng giảm mạnh. Chưa kể, giá trần vé máy bay tăng từ 1/3 cũng đẩy giá vé tăng cao.
Đại diện một công ty tại TP.HCM kể rằng mới làm xong tour đoàn đi Điện Biên Phủ, xong xuôi hết quay sang đặt vé máy bay thì khách hủy luôn vì giá quá đắt.
Chiếm 60% cấu thành nên giá vé máy bay tăng cao lập tức đẩy giá tour lên cao ngất ngưởng. CEO một đơn vị lữ hành than thở, giá tour đi bằng đường hàng không lên tới 8 đến 10 triệu đồng, báo giá xong khách “mất tích” luôn.
Bà Vũ Bích Huệ, đại diện truyền thông Flamingo Redtours, cho hay, giá tour Hà Nội - Buôn Ma Thuột tháng 3 khoảng 6,7 triệu đồng (4 ngày 3 đêm) thì sang tháng 4 lên tới 7,1 triệu đồng. Trong khi đó, với số tiền này, khách đi đường bộ được trải nghiệm hai nước Lào - Thái Lan, chi phí hết 7,4 triệu đồng/người cho hành trình 5 ngày. Hoặc chỉ từ 9,44 triệu, khách có thể đi du lịch Trung Quốc (5 ngày),…
Với khách đoàn, khách MICE, năm nay, công ty du lịch này phải “may đo” theo nhu cầu của khách về điểm đến xa hay gần, chi phí,… Đặc biệt, dịp 30/4-1/5 tới, do kỳ nghỉ ngắn (khả năng 2 ngày) nên khách sẽ đổ dồn đi nội địa. Khi đó, giá vé máy bay càng căng thẳng.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Saigontourist, nhận định, nếu không có sự điều chỉnh, chắc chắn giá tour sẽ tăng, dự kiến từ 10-15%.
Tại hội chợ VITM 2024, doanh nghiệp có sự thay đổi lớn, thay vì chỉ bán tour tuyến tại thị trường phía Bắc, cho khách phía Bắc thì năm nay Saigontourist sẽ bán tất cả sản phẩm của 18 chi nhánh trên toàn quốc. Từ đó, đa dạng sản phẩm để khách lựa chọn, nhất là từ miền Trung vào miền Nam.
Cụ thể, bà Trà cho hay, do giá vé máy bay tăng cao, khách có thể mua landtour từ Huế, Đà Nẵng vào phía Nam kết hợp lựa chọn hình thức di chuyển phù hợp (đi máy bay, đường bộ, tàu hỏa hay bằng phương tiện cá nhân), tùy nhu cầu và chi phí. Mức ưu đãi cao nhất lên tới 40%, nhưng số chỗ có hạn và chỉ áp dụng cho khách mua tại hội chợ.
Cũng chính vì các chương trình giảm giá, khuyến mãi hạn chế nên đại diện một công ty du lịch lớn tại Hà Nội chia sẻ, nếu những năm 2018-2019, với các chương trình kích cầu, đơn vị này có doanh thu lên tới gần 50 tỷ đồng/năm nhờ bán tour trực tiếp tại hội chợ thì từ sau dịch Covid đến nay, con số này giảm còn một nửa.
Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 có chủ đề Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Hội chợ tập trung vào hai hoạt động chính: thương mại và xúc tiến du lịch. Về hoạt động thương mại, hội chợ thu hút hơn 450 gian hàng, trong đó 25% gian hàng của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàn Quốc là nước có số gian hàng lớn nhất, với gần 70 gian hàng. Các công ty du lịch và cơ quan quản lý điểm đến sẽ giới thiệu và cung cấp sản phẩm trực tiếp cho khách du lịch và doanh nghiệp đối tác. Dự kiến, có 3.500 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đến làm việc, thu hút 80.000 khách trong và ngoài nước. Về hoạt động xúc tiến du lịch, VITM Hà Nội 2024 có nhiều hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); các hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu sản phẩm, điểm đến, các gói kích cầu du lịch, các công nghệ, xu thế du lịch mới;... Ngoài ra, điểm nhấn của hội chợ là Diễn đàn “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”, với sự tham dự của 200-300 đại biểu. |