Hội thảo do ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, TBT Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chủ trì cùng đại diện các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí.
Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nâng cao công tác bồi dưỡng báo chí cho các hội viên - nhà báo, hướng tới làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tạo ra sản phẩm báo chí theo nguyên tắc đạo đức chung của nghề nghiệp, cũng như bối cảnh báo chí Việt Nam.
AI và báo chí hiện là một chủ đề mang tính thời sự và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông, cũng như những người làm báo trên cả nước thời gian qua.
Về mặt cơ hội, AI có thể giúp tổng hợp và phân tích dữ liệu nhanh chóng hơn, giúp các nhà báo tiết kiệm thời gian và nỗ lực trong quá trình nghiên cứu và sản xuất tin, bài.
Thêm vào đó, việc triển khai thành công AI trong các đơn vị báo chí, sẽ giúp cá nhân hóa nội dung để phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng đối tượng độc giả, từ đó tăng khả năng tương tác và độ hấp dẫn của các sản phẩm báo chí.
Thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí lớn của cả nước đều đã có những tìm tòi, thử nghiệm áp dụng AI vào quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí, tiếp cận độc giả và mang lại những hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, thách thức mà AI mang lại cũng không hề nhỏ. Tiêu biểu là việc tạo ra và lan truyền tin giả với nội dung chi tiết và trôi chảy, khiến người đọc khó có thể nhận ra đó là tin giả.
"Tin giả có hẳn một bộ máy, e-kip có thể ngồi bất kỳ nơi đâu, bất kỳ đất nước nào cũng có thể thực hiện. Việc sản xuất tin giả và lợi dụng mục đích để kiếm tiền, gây rối loạn xã hội, mất niềm tin với báo chí, việc này hiện đang xuất hiện ở nước ta", ông Lê Quốc Minh cho biết.
Cũng tại hội thảo, các tham luận và ý kiến đóng góp, thảo luận đã tập trung gợi mở, làm rõ một số vấn đề như cách trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi phương thức sản xuất tin tức và ảnh hưởng như thế nào đến sự sáng tạo, khách quan của báo chí trên thế giới cũng như Việt Nam; làm thế nào để báo chí tận dụng được lợi thế của AI mà vẫn giữ vững đạo đức nghề nghiệp và tính trung thực của thông tin; hành lang pháp lý cho báo chí cần theo kịp để thay đổi, bổ sung như thế nào khi việc sử dụng các hệ thống phần mềm ứng dụng AI ngày càng phổ biến; AI hay con người phải chịu trách nhiệm nếu thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức và xã hội; những ý kiến đóng góp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên và các nhà báo Việt Nam trong thời đại số.
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều đồng tình cho rằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là một xu hướng mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, AI là do con người tạo ra và được dạy để tiếp thu, tổng hợp và phân tích từ thông tin dữ liệu do con người cung cấp.
AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng.
Bên cạnh đó cũng phải luôn học hỏi, thảo luận, thử nghiệm để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ con người.