Ngày 17/10, tỷ giá trung tâm USD/VND được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tại mức 23.586 đồng đổi 1 USD, tăng 45 đồng so với phiên ngày 14/10. Như vậy, đây là phiên thứ hai liên tiếp NHNN điều chỉnh mạnh tỷ giá, tăng trên 40 đồng. Tính trong cả tuần qua, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 164 đồng.

Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần đã tăng lên 24.429 VND/USD. Giá hội sở NHNN vẫn bán ở mức 23.925 đồng, không tăng so với các phiên trước.

Với khối ngân hàng thương mại, ngày 17/10, đồng USD được điều chỉnh nhẹ hoặc không đổi so với phiên trước đó. Tại Vietcombank, tỷ giá được nâng lên mức 23.920 đồng chiều mua vào và 24.230 đồng ở chiều bán ra, không tăng so với phiên giao dịch ngày 14/10.

Tỷ giá phiên đầu tuần tăng mạnh (ảnh TL)

Trong khi đó, tại Vietinbank, tỷ giá USD mở cửa phiên giao dịch ngày 17/10 ở mức 23.965 đồng chiều mua vào và 24.265 đồng chiều bán ra, tăng 2 đồng chiều mua vào và tăng 18 đồng chiều bán ra so với phiên ngày 14/10.

Tại ACB, tỷ giá được điều chỉnh ở mức 23.950 đồng chiều mua vào và 24.240 đồng ở chiều bán ra, không tăng so với trước.

Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch ở mức 24.420-24.520 đồng (mua vào - bán ra), tăng mạnh ở chiều mua vào so với ngày 14/10.

Trên thị trường thế giới, chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - tiếp tục lập đỉnh mới. Tính tới 9h15 sáng 17/10 (giờ Việt Nam) DXY lên mức 112,99 điểm, không biến động nhiều so với các phiên trước đó.

NHNN tăng tỷ giá trong bối cảnh đồng USD trên thế giới vẫn mạnh, các đồng tiền chủ chốt tiếp tục mất giá trước đồng USD.

Fed đang theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh nhất kể từ những năm 1980, nâng lãi suất thêm 300 điểm phần trăm. Các thị trường đang định giá trong một đợt tăng 75 điểm phần trăm tiếp theo vào tháng 11 và mức tăng 50 điểm phần trăm vào tháng 12.

Fritsch nhận định: "Lãi suất tăng tiếp tục gây sức ép lên mọi đồng tiền trên thế giới. Còn các chiến lược gia tại Morgan Stanley cảnh báo, sự phục hồi gần đây của đồng USD đang tạo ra tình huống biến tất cả các tài sản khác trở lên rủi ro, điều đó có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

Việc lạm phát Mỹ tăng cao hơn so với dự báo gây áp lực lên các thị trường. Đây là yếu tố khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ cho tới cuối năm.

Chính phủ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang đối mặt với tình thế khó khăn, giằng xé giữa nhu cầu bảo vệ các hộ gia đình và công ty khỏi sự gia tăng giá năng lượng và nhu cầu chống lạm phát kỷ lục và giữ cho tài chính công bền vững.

Kế hoạch cắt giảm thuế và vay nặng lãi của Anh để đóng băng giá năng lượng tăng cao đã gây ra phản ứng dữ dội trên thị trường, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để hỗ trợ giá trái phiếu Anh đang lao dốc.