Chị V.T.H (25 tuổi) ngụ tại Lâm Đồng có tiền sử mắc bệnh vảy nến. Theo lời giới thiệu, chị H. đã mua một bộ sản phẩm chức năng gồm nhiều vitamin tổng hợp nhằm tăng cường sức đề kháng, đẹp da, thải độc tố…Toàn bộ 7 sản phẩm có giá gần 5 triệu đồng.

"Vì mua của người quen nên tôi hoàn toàn tin tưởng. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên uống cũng không có hại", chị H. nói. 

Tuy nhiên, sau khoảng vài ngày sử dụng, cơ thể chị xuất hiện các nốt ban nhỏ, lấm tấm… Người bán hàng giải thích, tình trạng này chứng tỏ sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố, như vậy mới tốt cho cơ thể. 

Một phần tổn thương trên cơ thể bệnh nhân V.T.H. Ảnh: BVCC

Chị H. tiếp tục uống các loại thực phẩm chức năng trên. Nhưng đến ngày thứ 18, trong miệng chị nổi nhiều mụn nước, cơ thể mệt mỏi, sốt li bì, xuất hiện nhiều vết trợt ngoài da… Dù uống thuốc hạ sốt nhưng tình trạng không cải thiện, các vết trợt da lớn dần, nổi thành từng bọc nước. 

“Khi đó tôi rất hoảng sợ và gọi cho người bán nhưng họ vẫn nói không sao. Họ giải thích là cơ thể đang thải độc tố, nhiều người bị bệnh ung thư, bệnh máu trắng cũng hết bệnh nhờ uống các loại này”.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, cơ thể chị H. đau nhức, cảm giác đau từng lỗ chân lông, từng sợi tóc. Người nhà đưa chị đi cấp cứu tại TP.HCM.

Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Trúc Quỳnh, Khoa Lâm sàng 1 cho biết, bệnh nhân H. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) do sử dụng thực phẩm chức năng.

Hoại tử thượng bì nhiễm độc là một phản ứng dị ứng thuốc nặng. Nguyên nhân là do sự đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một vài loại thuốc hoặc chất chuyển hóa trong thuốc. Những người mắc hội chứng này có nguy cơ tử vong khoảng 30%-50%. 

“Trường hợp này tiên lượng tỷ lệ tử vong lên tới 50%, các vết trợt da, tổn thương chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, niêm mạc mắt, miệng, mũi… Nguyên nhân là do thời gian sử dụng thực phẩm chức năng kéo dài đến 20 ngày, bệnh nhân nhập viện trễ”, bác sĩ Quỳnh cho biết.

Chị H. sau đó được chăm sóc tích cực, điều trị corticoid liều cao, kháng sinh mạnh, bù điện giải, bù dinh dưỡng… Đồng thời, các bác sĩ chuyên khoa mắt, tai mũi họng, chuyên khoa bỏng cũng hỗ trợ chăm sóc tại chỗ. Sau hơn 5 tuần điều trị tích cực, thương tổn da lành tốt, tình trạng ổn định, bệnh nhân H. đã được xuất viện.

Cũng theo bác sĩ Trúc Quỳnh, nếu bệnh nhân nghe lời người bán tiếp tục uống các sản phẩm trên, nguy cơ tử vong là rất cao. Đáng nói, chị H. không phải trường hợp duy nhất bị dị ứng thuốc và thực phẩm chức năng mức độ nặng tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Theo bác sĩ Quỳnh, bản thân các dược thảo, chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm có trong thực phẩm chức năng không gây dị ứng. Tuy nhiên, các tá dược hay chất bảo quản có trong thực phẩm chức năng đều có nguy cơ gây dị ứng, thậm chí gây dị ứng rất nặng. 

Nặng nhất trong đó là sốc phản vệ, hoại tử thượng bì nhiễm độc… có thể gây chết người. Mức độ nhẹ hơn sẽ biểu hiện trên da như nổi mề đay, mẩn ngứa; trên hệ hô hấp như khó thở, hen suyễn; trên hệ tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; trên mắt bị viêm đỏ kết mạc...

Bác sĩ khuyến cáo, người dân không tùy tiện sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng. Thuốc chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Thực phẩm chức năng chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và luôn cảnh giác với nguy cơ dị ứng.

Trong quá trình sử dụng, nếu xảy ra hiện tượng như ngứa, phát ban, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu, người bệnh phải ngưng ngay thuốc, đến bệnh viện thăm khám.

Khi đã bị dị ứng, tuyệt đối không dùng loại thuốc hay thực phẩm chức năng đó. Đồng thời, phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tiền sử dị ứng và những loại thuốc đang dùng. 

Hội chứng Lyell là gì?

Hội chứng Lyell hay còn gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc, là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, có khả năng đe dọa tính mạng. Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc trước đó khoảng1-4 tuần. 

Bệnh khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao, nhức đầu, cơ thể nhức mỏi. Sau đó, xuất hiện những dát đỏ trên mặt, cổ, thân, lan rộng ra phần còn lại của cơ thể. 

Khi bệnh tiến triển, những dát đỏ trở nên sẫm màu, hình thành mụn nước, bóng nước, vết trợt da trên diện rộng, giống như bị bỏng… Tổn thương da gây đau rất nhiều.

Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tổn thương mắt nguy cơ gây viêm dính kết mạc, loét giác mạc, nặng hơn có thể gây mù lòa; tổn thương niêm mạc môi, miệng, họng gây khó khăn trong việc ăn uống, dẫn đến cơ thể suy kiệt; tổn thương niêm mạc sinh dục…

Bệnh nhân thường tử vong do các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn phổi, rối loạn nước- điện giải, xuất huyết tiêu hóa, dinh dưỡng kém…