Những năm qua, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Nam Định chú trọng đến việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất.

Hiện nay, dù sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt năng suất cao và ổn định trong thời gian dài, hình thành được những chuỗi liên kết cho giá trị cao song chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh cũng đã và đang bộc lộ những bất cập. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng… trong trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến tồn dư hóa chất trong nông sản lớn. 

Công nghệ sinh học giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Công nghệ chế biến thô sơ dẫn đến chất lượng thành phẩm chưa cao, hao hụt nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Ứng dụng công nghệ sinh học đẩy mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản được coi là công cụ quan trọng và then chốt để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp chuyển đổi hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ. 

Công nghệ sinh học còn giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả, hài hòa và bền vững; khắc phục ô nhiễm môi trường nông thôn do rác thải hữu cơ; là các giải pháp góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, bền vững. 

Trước những thách thức và yêu cầu trong giai đoạn mới, ngày 1/3/2023, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển công nghiệp công nghệ sinh học tại tỉnh Nam Định”. 

Mục tiêu của Đề án là tập trung các nguồn lực xã hội và các lợi thế của tỉnh để tạo động lực ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phát triển công nghiệp công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực; làm thay đổi căn bản trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến; bảo vệ bền vững môi trường; từng bước đưa Nam Định trở thành tỉnh có nền sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học hàng đầu trong khu vực Nam đồng bằng sông Hồng.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra những sản phẩm cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật và nhiều sản phẩm chế biến nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Nhiều chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ sinh học đã thúc đẩy sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh… nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo bước đột phá trong ngành nông nghiệp của tỉnh.

Trong trồng trọt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất được đẩy mạnh như: ứng dụng và nhân rộng công nghệ nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản vào sản xuất phân bón hữu cơ để trồng rau sạch, rau an toàn; tiếp nhận chuyển giao thành công công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và phương pháp khí canh; trồng dưa chuột, dưa lưới trên giá thể xơ dừa trong nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt. 

Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại với phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý tốt chất thải chăn nuôi được mở rộng, dần từng bước thay thế phương thức truyền thống. Một số mô hình chăn nuôi hữu cơ đã được hình thành, năng suất, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm chăn nuôi được cải thiện rõ rệt. 

Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh sử dụng men vi sinh chủng EM trộn vào ngô, cám gạo, đậu tương và các loại thảo dược (đẳng sâm, khổ sâm, kim ngân, quế chi, thảo quả...) nâng cao sức đề kháng của đàn lợn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và tạo ra sản phẩm thịt lợn hữu cơ, có giá bán cao hơn 5-10 nghìn đồng/kg so với giá thịt lợn nuôi đại trà.

Trong nuôi thủy sản, nhiều hộ nuôi sử dụng chế phẩm để loại bỏ ô nhiễm, khí độc trong ao tôm và xử lý bùn đáy, nước ao nuôi, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm, cá... 

Văn Quý, và nhóm PV, BTV