
Nhanh chóng sau đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 193/2025/QH15 với nhiều cơ chế đột phá, từ chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục tài chính, đến ưu đãi thuế và phát triển hạ tầng 5G. Sự đồng bộ và quyết liệt này cho thấy ý chí mạnh mẽ từ cấp cao nhất.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ các doanh nghiệp công nghệ, bức tranh lại không hoàn toàn như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng, giữa chủ trương thông thoáng ở cấp trung ương và thực tế triển khai ở địa phương vẫn còn một khoảng cách. Các quy định, "giấy phép con" còn nhiều, gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp.
Fintech: Từ tiên phong đến chờ sandbox
Ngành fintech là một ví dụ điển hình. Những năm 2008-2009, khi ví điện tử, thanh toán điện tử còn mới mẻ, lãnh đạo nhà nước rất cởi mở, sẵn sàng cấp phép thử nghiệm. Nhưng từ khoảng năm 2015-2016, tư duy thay đổi, bắt đầu siết chặt: mọi thứ đều phải có luật, nghị định mới được thử nghiệm. Điều này đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về một cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát).
Đáng tiếc, quá trình từ đề xuất đến khi sandbox chính thức ra đời đã kéo dài tới 8 năm. "Startup nào chờ nổi 8 năm?", một doanh nghiệp công nghệ bức xúc. "Đến khi sandbox chính thức ra đời thì hầu hết các startup tiên phong đều đã không còn tồn tại".
Chưa dừng lại ở đó, Nghị định sandbox vừa ban hành gần đây lại có một quy định gây tranh cãi: Tổng Giám đốc hoặc đại diện pháp luật của startup muốn tham gia sandbox phải có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này tạo ra một mâu thuẫn rõ ràng giữa khẩu hiệu "đổi mới sáng tạo" và quy định thực tế. Những người thực sự có khả năng "disrupt" (phá vỡ) ngành cũ – thường là các doanh nhân công nghệ với tư duy ngoài ngành – lại không đủ điều kiện tham gia.

Giám đốc một quỹ cho biết: "Uber đâu phải do một người lái taxi phát minh ra, mà là từ một người ngoài ngành. Fintech cũng vậy, muốn thay đổi được ngành ngân hàng thì phải có tư duy ngoài ngành ngân hàng," một chuyên gia nhận định. Nếu sandbox chỉ phục vụ "người cũ" hay các "cựu nhân viên ngân hàng", đó không còn là đổi mới thực sự, và startup sẽ tiếp tục mất cơ hội.
UAV quản lý hơi chặt chẽ
Tương tự, lĩnh vực tàu bay không người lái (UAV), với tiềm năng to lớn trong nông nghiệp, điện ảnh, giao thông, giám sát môi trường và cứu hộ, cũng đang đối mặt với những rào cản bất hợp lý. Mặc dù UAV có thể ảnh hưởng đến an toàn hàng không, quốc phòng và an ninh, nhưng các nguy cơ này chủ yếu phát sinh từ hoạt động sử dụng UAV, chứ không phải từ khâu sản xuất hay kinh doanh.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ lại đang được áp dụng đối với sản xuất UAV bằng điều kiện kinh doanh, điều này được đánh giá là "quá mức cần thiết". Việc phát triển ngành công nghiệp UAV trong nước có thể mang lại nhiều lợi ích, từ thúc đẩy kinh tế đến đảm bảo an ninh. Do đó, một chính sách quản lý thông thoáng, tập trung vào kiểm soát rủi ro từ hoạt động, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mục tiêu này.
Cần giải trình rõ ràng và hành động nhất quán
Nghị quyết về đổi mới sáng tạo là rất đột phá, nhưng trong thực tế có lúc, có nơi lại chưa đi vào cuộc sống qua hai ví dụ nêu trên.
Để Nghị quyết 57 và 193 thực sự đi vào đời sống và tạo ra đột phá như kỳ vọng, có lẽ nên sớm gỡ bỏ những rào cản còn tồn tại. Điều này đòi hỏi sự nhất quán hơn giữa chủ trương và hành động, cũng như khả năng lắng nghe và điều chỉnh chính sách dựa trên thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có thể thực sự "vươn mình" trong kỷ nguyên mới chỉ khi dứt khoát từ bỏ những giấy phép con không cần thiết.
