Ngược dòng Nhật Lệ bằng thuyền buồm lên tận ngọn nguồn Kiến Giang theo lộ trình thi hào Nguyễn Du đã từng, ta sẽ thấy gì?
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Từ cửa sông Nhật Lệ… của tác giả Nguyễn Thế Tường.
Là tôi đang nói tới tuyến du lịch bằng thuyền buồm ngược sông Nhật Lệ lên tận ngọn nguồn Kiến Giang. Vẫn biết ở Đồng Hới (Quảng Bình) bây giờ vẫn tìm được những tay lái thuyền buồm ngược gió nhưng dù sao cũng cần gắn máy đẩy và chèo tay, sào chống phòng khi cần…
Kiến Giang bắt nguồn núi Quan Độ Bắc Quảng Trị, chảy zích zắc, qua Hạc Hải (biển cạn) thì ngược lên phía Tây hợp thủy với Long Đại cũng vừa trườn qua ba mươi sáu thác lớn nhỏ rồi cùng về biển Đông gọi là Nhật Lệ. Danh tính là ba con sông nhưng đều từ ngọn nguồn Trường Sơn, hợp thủy, đổ ra cửa biển ở Đồng Hới.
Vậy, sao không thử ngược Nhật Lệ, lên thượng nguồn, xem giữa dòng, hai bờ có gì… vui.
Ngay cửa sông Nhật Lệ, trên bờ là điểm cuối lũy Trấn Ninh, một trong ba tuyến phòng ngự trong hệ thống Lũy Thầy nổi tiếng thời phân tranh Trịnh Nguyễn, dấu tích còn rất rõ. Đoạn “vĩ thanh” (nối dài) của chiến lũy là xích sắt căng ngang sông để chặn thủy quân của Trịnh, nối với bờ bên kia là lũy Trường Sa.
Vẫn là ca từ trong ca khúc nổi tiếng “Lời cô gái Lệ Ninh” của nhạc sĩ Trần Hoàn “Từ cửa sông Nhật Lệ, mời anh về thăm quê”. Người Lệ Thủy, Quảng Ninh mấy trăm năm di chuyển bằng thuyền nên từ “cửa sông Nhật Lệ…” (Đồng Hới) thường gọi “ngược nước” lên quê. Cũng ngay cửa sông, trong thành Đồng Hới, thi hào Nguyễn Du có bốn năm (1809-1813) làm quan Cai bạ Quảng Bình, ngồi trông cửa biển trong tâm trạng u hoài, để sau đó đi sứ Trung Quốc, về viết truyện Kiều: “Buồn trông cửa bể chiều hôm?/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…” phải chăng là dư cảm của những ngày ngồi trông cánh buồm vô ra cửa Nhật Lệ?!
Ngồi thuyền buồm, không có động cơ máy nổ, du khách được tận hưởng tiếng gió, tiếng thùy dương reo vui hai bờ và tiếng chim. Người dẫn chương trình của tour (nếu đủ kiến thức) có thể thuyết minh chiều sâu các tầng vỉa văn hóa hai bên bờ và ngay trên… mặt nước. Đó là di chỉ văn minh Bàu Tró sánh ngang với cả Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh.
Lưu vực Nhật Lệ là vùng đất được thu hồi từ cuộc ngự giá Nam chinh của vua Lý (có Lý Thường Kiệt làm tiên phong) năm 1069, bắt sống vua Chiêm là Chế Củ khiến ông này phải dâng ba châu Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh để chuộc mạng. Hành trình du lịch thuyền buồm hôm nay trên một con sông có hướng chảy Nam Bắc nên dường như đang đi từ đầu đến cuối châu Địa lý là đất Đồng Hới - Quảng Ninh - Lệ Thủy ngày nay, đến nơi thượng nguồn giáp ranh với địa phận Ma Linh (Vĩnh Linh, Gio Linh - Quảng Trị).
Những biến thiên lịch sử trong gần một nghìn năm có thể được hướng dẫn viên tóm tắt trong 500 năm đầu và kỹ hơn trong nửa sau với những vần thơ sáng láng của vị chủ soái thi đàn “Nhị thập bát tú” Lê Thánh Tông trong “Nhật Lệ hải tấn” viết năm 1470 trong lần dừng lại duyệt thủy quân trước khi tấn công xuống phương nam:
Hiểu khóa lâu thuyền độ vĩ lư
Phiên phiên chinh bái trú Hà cừ
Sa hàn địa lão tà dương ngạn
Sương lẫm phong phi túc thảo khư”
(Dịch: Bừng sáng, lâu thuyền qua sông sớm nhanh chóng đóng quân ở Hà Cừ/ cờ chiến bay phấp phới/ Cát lạnh đất cằn bóng chiều xế bên sông/ Sương mù giá lạnh gió đêm thổi trên đồi hoang)
Dịp này, vua Lê cũng đổi tên Nhật Lệ thành Ô Long Giang để đến thời Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm viết:
Hoành trạo Ô Long nhật hướng môn
Vọng cùng Hà Hán triệt vân côn…
(Dịch: Gác ngang mái chèo thuyền đến Ô Long vừa sớm/Nhìn xa thấy sông Ngân hà cùng núi non cao vút)
Giữa thế kỷ 19, vua Thiệu Trị tuần giá Bắc Hà cũng viết:
Bích huyết dư quang lưu Nhật Lệ
Hoàng trần việt chướng nhiễm Đâu Mâu
(Dịch: Dòng Nhật Lệ đầy máu xương chiến sĩ vẫn xanh biếc sáng chói/ Núi đâu Mâu nhuốm bụi vàng càng rõ là bình phong vững)
Và Nguyễn Khuyến:
Sơn tự Đâu Mâu bàn nhị trạch
Thủy quy Nhật Lệ trích quần than.
(Dịch Núi từ hòn Đâu Mâu cuộn quanh hai đầm nước/ Nước về sông Nhật Lệ nhiều ghềnh thác bãi chen chúc tụ họp)
Vẫn là hai bờ Nhật Lệ ghi dấu võ công văn nghiệp của các bậc tiền hiền kiệt hiệt: Đào Duy Từ với hệ thống chiến lũy: Trấn Ninh, Trường Dục, Trường Sa. Bên phải là làng Văn La, quê hương của Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Kế Viêm với hai trận Cầu Giấy nổi tiếng “Văn La long đáo địa” là con rồng lớn (sông Long Đại) đến đây thì “trườn” lên đất cuộn lại ở Phôốc Rồng. Bên trái là làng Trung Bính quê của thượng thư Huỳnh Côn “Văn La song Hiệp biện/ Trung Bính tứ Thượng thư”. Hết quãng sông có tên Nhật Lệ dài chừng 15km là vào “lãnh Thủy” của Kiến Giang với đất Vạn Ninh quê hương của dòng họ Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh có công rất lớn trong hành trình tiến xuống phương Nam.
“Thuyền ta băng qua Hạc Hải, nghe tôm cá rì rào” (Trần Hoàn, ca khúc đã dẫn). Hạc Hải là biển cạn “…mênh mông bể Hạc, leo lẻo dòng trong… Hồ sơn một cảnh trăng gió lưng bầu, coi hệt thế giới ngũ hồ vậy”(Dương Văn An - Ô châu cận lục). “Thiển Hải ở huyện Lệ Thủy. Nước từ nguồn An Sinh Cẩm lý đổ về. Trăm dòng tụ lại gọi là Hạc hải…”(Lê Quý Đôn - Phủ biên tạp lục).
Nằm trên lộ trình của Kiến Giang, rộng 4.000 mẫu tây, Hạc Hải là nghiên mực trong bộ “tam quý” Địa Văn hóa “Mâu sơn vi bút/ Hạc hải vi nghiên/ Trường sa vi bản” (Ngọn bút Đầu Mâu chấm vào nghiên mực Hạc Hải viết lên tờ giấy bãi cát dài ven biển) mà nên truyền thống hiếu học của vùng đất hai huyện. Trên mặt phá lồng lộng mây trời mặt nước có nhiều chòi dựng bằng cây bần. Du khách có thể dừng lại dùng bữa với nhiều món hải sản nước lợ và hít thở hương hoa thủy sinh lẫn trong mùi bùn ngai ngái và nghe tiếng chim thao thiết trong gió đồng.
Qua hết phá Hạc Hải, thuyền lại vào quãng sông trung lưu. Bên phải là làng Phú Thọ. Làng này có cơ duyên với cả ông vua Chiêm Thành và thi hào Nguyễn Du. Chế Củ dâng ba châu để chuộc mạng trong đó có cái chợ ở Phú Thọ gần nghìn năm nay vẫn giữ tên Chiêm: Chợ THÙI.
Lại có câu chuyện Nguyễn Du ngược sông đi đốc thuế khi về gặp sóng to gió lớn ở Hạc Hải, bèn nghỉ lại làng Phú Triều (Sóng lớn). Biết rõ cơ cảnh nhân dân “sống ngâm da chết ngâm xương”, quan mở bản đồ cấp cho một vùng đất ở chân thềm Trường Sơn để trồng màu và một vùng khác để mai táng, gần đây dân vẫn gọi là “đồng Nguyễn Du”. Lại thấy nhiều cụ râu dài nên đổi tên làng thành Phú Thọ. Đây cũng là lý do du lịch thuyền buồm nhưng có gắn máy đẩy dự phòng.
Bên kia sông là làng An Xá có ngôi nhà thời thơ ấu của danh tướng thế giới Võ Nguyên Giáp “Văn lo vận nước Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”. Cũng trong làng này còn có đền Bà Lỗ, thờ vị phúc thần dám hy sinh danh tiết, khỏa thân đánh lừa trai bơi cả xứ để đò bơi làng mình vượt lên chiếm giải rồi lặng lẽ quyên sinh.
Bên phải là quê hương của hai vị thượng thư Châu Đình Kế, Võ Trọng Bình: “Văn vô Bình bất luận/Lễ vô Kế bất thành”; Là thôn Lộc An của hai nhà thơ thế kỷ 19: Tuần vũ Lê Văn Nguyên với “Hồng hiên thi tập” nổi tiếng và Thượng thư Nguyễn Thế Trực với tập “Sứ trình thi tập” mới được dịch sang tiếng Việt.
Từ đây ngược lên vài cây số đến làng ông Ngô Đình Diệm thì hướng dẫn viên nhường lời cho câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy xuống thuyền phục vụ mà chỉ cần vài phút là có thể biến tất cả du khách vào cuộc với lời xố đơn giản và hồn nhiên khoan khoan hò khoan: “Xanh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan Lệ Thủy trên dòng sông Kiến giang dạt dào tình quê” (Hoàng Vân). Kiến Giang đấy! Ô Châu cận lục, (sách đã dẫn): “Vị nước bình đạm uống vào không biết chán…” và lễ hội bơi thuyền mừng tết Độc lập với lộ trình thi đấu dài đến 26 km. Ngược lên nữa, gặp chùa Hoằng Phúc 723 năm tuổi, nơi thượng hoàng Trần Nhân Tông, năm 1301, trên đường vân du vào Chiêm Thành đã dừng lại thuyết pháp. Chuyến đi đã tạo tác cuộc hôn nhân chính trị Chế Mân - Huyền Trân mang về cho Đại Việt “hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm/Một gái Huyền Trân của mấy mươi”.
Lên nữa trên ngọn nguồn là vực An Sinh, nơi hợp thủy của hai nhánh Rào Mẹ và Rào Con. Một vách đá hoa cương chặn hai dòng nước xoáy lại thành vực sâu nghe đồn thông tới tận bàu Tró ở Đồng Hới xa trên 30 km. Đỉnh núi trên bờ vực có đền thờ Cao Biền, một pháp sư người Tàu từng vân du tầm long điểm huyệt ở nước ta. Nếu “phải dò cho tới ngọn nguồn...” sẽ gặp dãy An Mã là nơi phát của nguồn mạch kiến Giang.
Cũng từ đây, đi ngược nữa là vào… Quảng Trị.
****
“Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông”
(Bế Kiến Quốc)
Cứ cảm giác như trên cơ thể Việt Nam này, núi đồi là xương cốt, đồng bằng là da thịt, và những con sông là mạch máu. Sẽ như thế nào nếu một ngày nước sông không chảy? Nhật Lệ quê tôi cũng vậy thôi. Ai có dịp đến Quảng Bình, xin thay lời nhạc sĩ Trần Hoàn “Từ cửa sông Nhật Lệ mời anh về thăm quê…”
Ngược dòng bằng thuyền buồm, đi lại lộ trình thi hào Nguyễn Du đã từng - tại sao không?!
Nguyễn Thế Tường
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.