Nếu trăm năm trước, sông Mã chẳng đổi dòng thì liệu cụ Nguyễn Văn Nắm có tìm thấy chiếc trống đồng phát lộ để từ đây khai sinh một nền văn hóa mang tên ngôi làng nhỏ?!
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Mã đổi dòng gọi tên lịch sử? của Nhà vănNguyễn Xuân Thủy.
Dòng sông ấy đã làm nên Đồng bằng Thanh Hóa, đồng bằng lớn thứ ba tại Việt Nam sau Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng, nhưng có vẻ nó ít khi được nhắc đến với danh xưng này, cơ bản là vì độ chênh lệch diện tích quá lớn với hai đồng bằng đại diện cho hai miền Nam - Bắc.
Dòng sông ấy có lẽ cũng là dòng sông duy nhất khởi nguồn ở Việt Nam, du ngoạn qua biên giới rồi lại chảy vào đất Việt. Dòng sông ấy cũng đã gắn liền với lịch sử chiến tranh cách mạng. Nhưng còn một điều đáng kể nữa, đó là hạ nguồn sông ấy là nơi khởi phát của một nền văn hóa. Ven bờ sông Mã cách đây đúng 100 năm, năm 1924, một người đàn ông làng Đông Sơn đi câu đã tình cờ phát hiện trong một hõm lở ven sông một chiếc trống đồng. Sự kiện ấy là khởi nguồn cho những nghiên cứu để gọi tên một nền văn hóa đồ đồng với những di chỉ khảo cổ dày đặc trên đất Thanh Hóa, cũng là lý do để người ta gọi tên nền văn hóa ấy - nền văn hóa Đông Sơn.
Sông Mã chảy vào đất Việt ở cửa khẩu Tén Tằn, thuộc Thị trấn Mường Lát. Các địa danh nơi thượng nguồn xứ Thanh này đã trở nên phổ cập bởi chúng gắn với một bài thơ nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp, bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Những địa danh ấy đều nằm trên địa phận huyện Mường Lát hiện nay. Cuộc hành quân “tây tiến” ấy đã đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng và cũng đi vào văn học, kéo những địa danh xa ngái lại gần hơn với nhiều thế hệ người Việt. Biểu tượng “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” trong “Tây Tiến” cùng sự dữ dội của con sông lắm thác nhiều ghềnh, chảy như ngựa phi này đã đưa đến cách giải thích tên gọi “Sông Mã”, nhưng các nghiên cứu khác cho thấy, “Sông Mã” là biến âm của “Sông Mạ”, trong đó “mạ” là từ bản địa miền Trung, có nghĩa là “mẹ”, theo đó, đây là dòng sông Mẹ, giống như sông Cái được sử dụng khá nhiều trên đất Việt từ Bắc vào Nam.
Sông Mã bên cầu Hàm Rồng và núi Rồng. Ảnh: Xuân Thủy
Có lẽ người ta ưa gọi Sông Mã vì nó gắn với sự dũng mãnh, quật cường, đúng với tính cách con người xứ Thanh. Sông Mã đã nổi tiếng những năm chống Mỹ gắn với cây cầu Hàm Rồng. Một biểu tượng sống về ý chí chiến đấu, tiếp nối tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của tự vệ Hà Nội những năm đầu toàn quốc kháng chiến. Cuộc chiến bảo vệ huyết mạch giao thông Hàm Rồng trên tuyến quốc lộ 1A nối miền Bắc với miền Trung để vào Nam đã diễn ra ác liệt, giằng co sinh tử suốt tám năm trời, từ 1964 đến hết năm 1972. Tử huyệt giao thông này đã là nơi so trí, đọ tài giữa siêu cường lắm súng nhiều tiền và một dân tộc nhỏ bé mà gan góc, không chịu cúi đầu khuất phục. Chỉ một cây cầu nhỏ bé nối đôi bờ sông Mã mà trong gần chục năm giao tranh hút đến hàng chục tấn bom, 117 máy bay đã vì cây cầu này mà bị loại khỏi đội hình chiến đấu của Không quân Mỹ.
Hàm Rồng - Sông Mã hôm nay. Ảnh: Xuân Thủy
Có một điều gì quan trọng, thiêng liêng hơn giữa khói bom lửa đạn, giữa những hy sinh tổn thất hiện hữu, ngay từ những năm chiến tranh người ta đã cảm nhận mãnh liệt nơi mảnh đất này. Hàng loạt hiện vật tìm thấy ở Đông Sơn những năm cuối nửa đầu thế kỉ XX đã khiến nhiều nhà khảo cổ nước ngoài nghĩ đến một nền văn hóa bắt đầu từ nơi đây. Để làm rõ hơn nhận định ấy, dù đang chiến tranh nhưng ta vẫn cử nhiều đoàn khảo cổ về Đông Sơn làm việc. Một nhà khảo cổ đến từ Hà Nội đã nói với những pháo thủ đồi C4 bên cây cầu Hàm Rồng rằng, “tuyệt diệu quá, trận địa pháo của các đồng chí đang đặt lên nền văn hóa Đông Sơn mấy nghìn năm của dân tộc”. Đó là một sự thật đã được thế giới ghi nhận. Người cán bộ khảo cổ tâm huyết ấy sau đó đã hy sinh trên chính trận địa C4 trong một trận bom Mỹ. Công cuộc khảo cổ của ông đã được các đồng nghiệp tiếp tục cho đến sau ngày đất nước hòa bình, Bắc Nam về một mối.
*****
Lịch sử chưa hẳn đã xa khi hôm nay về Hàm Rồng, ông Nguyễn Vệ, trưởng làng Đông Sơn dẫn tôi đi dọc bờ sông Mã đến vị trí phát tích của chiếc trống đồng gọi tên làng. Anh ruột của ông nội ông Vệ chính là người đã ghi tên vào lịch sử gắn với việc định danh một nền văn hóa - cụ Nguyễn Văn Nắm, người tìm thấy chiếc trống đồng đầu tiên vào năm 1924. Rất nhiều tài liệu hiện tại, kể cả từ phía Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đều ghi nhầm tên cụ là Nguyễn Văn Lắm, có lẽ do nhầm lẫn chữ N thành L, một lỗi phát âm khá nhiều người mắc phải.
Cụ Nắm đã đi vào lịch sử ấy, theo lời kể của ông Vệ, thời trẻ là một người đàn ông Đông Sơn bình dị nhưng cũng ẩn chứa nhiều khí chất. Ông Nguyễn Vệ kể rằng, cụ Nắm khi đó 34 tuổi, ham đánh bạc và đi câu. Cụ thường câu ở xứ Đồng Ra bên rìa làng, dọc sông Mã. Đây là phía lở, bờ sông dựng đứng. Địa thế ở đây thuận lợi cho việc câu, không như bên bồi. Thế rồi buổi đi câu ấy cụ nhìn thấy ở bờ sông có một cái hõm ăn sâu vào. Cụ đã soi đèn vào xem bên trong có gì thì phát hiện ra một số đồ vật bằng đồng, trong đó có một chiếc trống hình trụ và một bộ ấm chén. Tất nhiên là cụ làm sao ý thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa đặc biệt của chúng.
Ông Nguyễn Vệ tại vị trí tìm thấy trống đồng bên Sông Mã. Ảnh: Xuân Thủy
Cụ Nguyễn Văn Nắm là ông nội chi trên của ông Vệ nhưng gần gũi thân thiết chẳng khác gì ông nội. Ấy thế mà khắp nơi người ta lại cứ đăng người phát hiện trống đồng đầu tiên là Nguyễn Văn Lắm khiến ông Vệ bức xúc lắm. “Vừa rồi tôi đi hội nghị tôi bảo đừng tự đặt tên cho cụ nhà tôi như thế, tên húy của cụ nhà tôi là Nắm. Bốn anh em ruột của cụ tôi tên lần lượt là Nắm - Mớ - Rụt - Rè. Tôi phải kể đủ 4 tên húy như thế để hội nghị không tranh cãi”, ông Vệ kể lại việc đi dự một hội nghị tại Đông Sơn - Hàm Rồng.
Ông Nguyễn Vệ nói về việc tìm thấy trống đồng ven Sông Mã. Video: Xuân Thủy
Ông Vệ bảo, họ nhà ông mất gia phả rồi, nhưng dù mất gia phả thì có những việc ông vẫn nhớ như in, bởi chính ông là nhân chứng gián tiếp. “Cụ nhà tôi phong lưu lắm. Cụ đi đánh bạc, thắng thì chở hàng thuyền tiền bạc của cải, đồ đạc về nhưng thua thì người ta đến nhà, trong nhà có gì chở đi hết”. Vậy nên khi tìm thấy chiếc trống đồng cụ Nắm đã bán phắt cho viên thuế quan người Pháp L.Pajot. Tuy vậy, sau khi Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội lên tiếng về giá trị các cổ vật, chính quyền bảo hộ cũng cấp cho cụ giấy chứng nhận tìm thấy chiếc trống đồng này tại bờ sông Mã, nơi bến lở. Thế nhưng ngay cả tấm giấy ấy sau đó cụ cũng cầm cố để đánh bạc nốt. Dù thế thì sự việc ấy quá hiển nhiên, đã đóng đinh vào lịch sử mà không cần chứng nhận gì.
Tiếp đó Viện Viễn đông Bác Cổ đã ủy nhiệm cho L.Pajot tiến hành khai quật ở Đông Sơn. Những cổ vật tìm thấy tại Đông Sơn được công bố vào năm 1929 đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của giới khảo cổ đương thời. Nhiều học giả đã xác nhận rằng các di vật đó thuộc về một nền văn hóa riêng biệt chứ không phải là tiếp biến. Đặc biệt, năm 1933, học giả người Áo là R.Heine - Geldern đề nghị đặt tên nền văn hóa đồ đồng là văn hóa Đông Sơn. Kể từ đó, thuật ngữ văn hóa Đông Sơn được dùng phổ biến trên thế giới để chỉ thời kì văn minh đầu tiên của người Việt cổ, mốc thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang. Nền văn hóa ấy được đặt theo tên địa phương nơi phát hiện các dấu tích đầu tiên của nó, vậy là tên của ngôi làng nhỏ bên bờ sông Mã đã trở thành tên gọi của một nền văn hóa. Đến nay, sau 6 đợt khai quật khảo cổ lớn của Viện Khảo cổ Việt Nam tại Đông Sơn với hàng loạt hiện vật thu về thì mọi thứ đã được minh định.
*****
Trong cuốn sách Đất nước Việt Nam qua các đời của học giả Đào Duy Anh xuất bản năm 1964, tác giả lấy dẫn chứng lịch sử và cho rằng dòng chính của sông Mã bị thay đổi vào thời nhà Nguyễn. Theo nhận định này, ngày ấy sông Mã đổ ra biển bằng cửa chính là Lạch Trường theo dòng chính là sông Tào Xuyên, nằm giữa hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa hiện nay. Đầu đời Nguyễn, một trận lũ lớn đã đánh đắm một bè gỗ lim ở cửa vào sông Tào Xuyên, bè gỗ ấy bị phù sa bồi lấp chặn nghẽn dòng chảy, nhánh sông ấy dần dần bị hẹp lại, bởi thế, sông Mã đã trổ dòng rộng ra ngách sông nhỏ ở giữa núi Hàm Rồng và núi Châu Phong, đổ ra Lạch Hới như ngày nay. Cũng từ sự đổi dòng này mà phần “hàm rồng” đã mấp mé mặt nước. Vị trí đặc biệt về phong thủy ấy đã được nước sông Mã khỏa lấp, dập dìu sóng nước, khỏa đi mọi toan tính chiếm lĩnh yếu huyệt này.
Cầu Hàm Rồng và cầu Hoàng Long song song trên hạ lưu Sông Mã đoạn chảy qua TP Thanh Hóa. Ảnh Xuân Thủy. Ảnh: Xuân Thủy
Ông Dương Đình Thọ, người trông giữ đình làng Đông Sơn hiện nay cũng đồng ý với nhận định đổi dòng của Sông Mã. Ông Thọ bảo, ở làng Đông Sơn từ xưa đã truyền tụng câu ca “99 ngọn núi bên Đông, còn ngọn núi Nít bên sông chưa về/ 99 ngọn núi đề huề, còn ngọn núi Nít chưa về bên Đông”. Câu ca này gắn với sự tích về những ngọn núi nơi đây, tích rằng, xưa Đông Sơn là vùng đất trù phú gồm những ngọn núi kế tiếp nhau tạo thành hình rồng, 100 ngọn núi quần tụ, nhưng khi sông Mã đổi dòng chảy vào giữa hai khe núi, tách một ngọn núi nhỏ về bờ bên kia, từ đó, đứa con út trong gia đình 100 thành viên bị lạc đàn. Núi Nít chính là ngọn núi Ngọc nằm bên đất Hoằng Hóa, đối diện bên này là ngọn núi Rồng, nơi có động Long Quang được cho là mắt rồng, có vị trí “hàm rồng” kề bên sông Mã, tạo ra thế “rồng vờn ngọc” độc nhất vô nhị trong phong thủy nước Nam.
Đi dọc bờ sông Mã hôm nay, tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi, nếu như một ngày sông chẳng đổi dòng để dòng chính tách đôi Hàm Rồng, núi Ngọc, để sóng nước sông Mã cào mãi vào bờ bãi làng Đông Sơn thì liệu có cái ngày đẹp trời kia, cụ Nguyễn Văn Nắm tìm thấy chiếc trống đồng phát lộ để từ đây khai sinh một nền văn hóa mang tên ngôi làng nhỏ?! Lịch sử vốn được tạo ra bằng những bí ẩn không dễ đoán định, bè gỗ lim xưa phải chăng chẳng phải vô tình mà lũ lụt cuồng phong nhấn chìm chắn lối? Phải chăng đó là lúc cần đánh thức, cần hiển lộ những bí mật về một thời đại ủ trong lòng đất xứ này?
Đáp lại những tự vấn của tôi, ngoài kia Sông Mã vẫn trôi, như một trăm năm trước, nước cứ xuôi mãi hòa vào biển cả.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.