Diêu Tụng xuất thân trong gia đình nông thôn ở Hồ Nam (Trung Quốc), sinh năm 1992. Từ nhỏ, anh là hình mẫu 'con nhà người ta' điềm tĩnh, học giỏi không để bố mẹ phải lo lắng. Suốt 12 năm, chưa 1 lần Diêu Tụng ngó lơ việc học.
Năm 2010, tham gia kỳ thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia, Diêu Tụng xếp thứ 2, kém người dẫn đầu 0,5 điểm. Kết quả cuộc thi giúp anh nhận ra bản thân không phải là người xuất sắc. Lúc này, Diêu Tụng mới thấm thía câu nói của bố mẹ: "Núi cao còn có núi cao hơn".
Thành tích này giúp Diêu Tụng được tuyển thẳng vào khoa Kỹ thuật Điện tử của Đại học Thanh Hoa. Khi đến đây, anh nhận ra bạn bè đều là những học sinh xuất sắc. Chỉ riêng lớp anh có đến 3 thủ khoa tỉnh trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010.
Do đó, thay vì tận hưởng cuộc sống sau khi vào đại học, anh lại chăm chỉ hơn vì sợ bị tụt hậu. "Dù luôn nằm trong top sinh viên xuất sắc nhất trường, nhưng tôi thấy điểm của mình chỉ ở mức trung bình. Tôi vẫn cảm thấy thất vọng", Diêu Tụng nhớ lại.
Suốt 4 năm đại học, Diêu Tụng dành nhiều sự quan tâm đến khoa học máy tính và mong muốn tương lai trở thành kỹ sư. Vì vậy, ngoài việc đào sâu chuyên môn, anh còn chủ động liên hệ với các giáo sư để xin làm việc tại phòng thí nghiệm.
Tiếp xúc với khoa học máy tính, Diêu Tụng nghiên cứu từ thiết kế chip, mạch tích hợp đến thuật toán trí tuệ nhân tạo. Cho đến nay, đây vẫn là kiến thức nền tảng quan trọng giúp anh mở rộng tầm nhìn và hiểu rõ hướng đi của công nghệ trong tương lai.
Tốt nghiệp đại học năm 2014, Diêu Tụng dự định ra nước ngoài học thạc sĩ. Đặt mục tiêu là Đại học Stanford, nhưng anh chỉ nhận được thông báo tuyển thẳng học tiến sĩ của Đại học Carnegie Mellon. Sau khi suy nghĩ, Diêu Tụng quyết định từ bỏ cơ hội sang Mỹ du học ở tuổi 22.
Đây cũng là thời điểm anh nhận được lời mời tham gia nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của một giáo sư. Tuy nhiên, khi gia nhập đội, Diêu Tụng nhận thấy tình hình không đơn giản. Bởi giáo sư hướng dẫn không thể dành toàn lực để khởi nghiệp, còn các đồng nghiệp lại đang học tiến sĩ. Do đó, trong quá trình làm việc anh chỉ có thể liên lạc từ xa. Điều này đồng nghĩa Diêu Tụng là người nghiên cứu chính của nhóm.
Trong mắt mọi người, đội ngũ như vậy không thể tạo ra bước đột phá. Bỏ ngoài tai những lời tiêu cực, Diêu Tụng coi đây là cơ hội phát triển bản thân. Khi gặp khó khăn, anh từng bước giải quyết vấn đề. Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tốn kém, do đó Diêu Tụng đã đàm phán với hơn 50 tổ chức để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, vì đề tài rộng nên các tổ chức không sẵn lòng đầu tư.
Phải đến năm 2016, khi anh cùng giáo sư cố vấn sang Mỹ tham dự hội nghị học thuật mới nhận được 5 triệu USD (124 tỷ đồng) từ Quỹ đầu tư mạo hiểm GSR Ventures. Sau khi nhận được tiền đầu tư, Diêu Tụng thành lập công ty công nghệ DeePhi trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc), chuyên về lĩnh vực an ninh thông minh và lái xe tự động.
Với tầm nhìn chiến lược và năng lực quản lý tốt của Diêu Tụng, sau gần 1 năm thành lập, công ty đạt doanh thu 10 triệu NDT (34 tỷ đồng). Tiềm năng phát triển vượt bậc của DeePhi lúc này được công ty bán dẫn Mỹ Xilinx để mắt.
Trải qua nhiều cuộc đàm phán, năm 2018, Xilinx mua lại DeePhi với giá 300 triệu USD (7.428 tỷ đồng). Bán đứa con tinh thần ở tuổi 26, Diêu Tụng sở hữu khối tài sản ròng hơn 100 triệu USD (2.496 tỷ đồng). Sau khi DeePhi được mua lại, anh vẫn làm việc tại công ty với vai trò là giám đốc điều hành. Tuy nhiên, khi nghĩ về tương lai, Diêu Tụng nhận ra bản thân không có định hướng.
Do đó, năm 2019, Diêu Tụng bắt đầu tìm hiểu về hàng không vũ trụ, đặc biệt là tên lửa tư nhân. Sau khi nghiên cứu, năm 2020, Diêu Tụng thành lập công ty Orienspace với mục đích khám phá mô hình phát triển hàng không vũ trụ. Giá trị ban đầu của công ty khoảng 65 triệu USD (1.622 tỷ đồng).
Chế tạo tên lửa là ngành công nghệ tiên tiến, nhưng chu kỳ nghiên cứu lâu và lợi nhuận thu về chậm, nên khó thu hút đầu tư. Dù vấp phải nhiều nghi ngờ, nhưng Diêu Tụng chưa từng bỏ cuộc. Anh cho rằng, thành công của bản thân là tên lửa được phóng lên vũ trụ.
Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, CEO Orienspace hy vọng mọi người đều có thể trở thành phi hành gia. "Đây là sự thay đổi lớn trong tương lai tác động sâu sắc đến nhân loại", Diêu Tụng chia sẻ.
3 năm nỗ lực của Diêu Tụng cuối cùng được đền đáp xứng đáng, ngày 11/1/2024, tên lửa Gravity-1 được phóng thành công từ một tàu ngoài khơi ở bờ biển Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Hiện tại, Gravity-1 là một trong những tên lửa mạnh nhất có khả năng đưa 30 vệ tinh lên quỹ đạo trong một lần phóng.
Thành công này là bước mở đường để công ty Orienspace tiếp tục phóng tên lửa thương mại vào quỹ đạo tầm thấp và trung trái đất (LEO). Công ty dự định sắp tới sẽ ra mắt tên lửa Gravity 2 và 3 với kích thước lớn và thiết kế phức tạp hơn. Dự tính, tên lửa Gravity 2 có trọng tải 15.000kg tới LEO, còn Gravity 3 là 30.000kg.
CEO Orienspace tiết lộ, công ty đang nhận được đơn đặt hàng phóng hàng trăm vệ tinh. Sau gần 4 năm thành lập công ty, hiện Diêu Tụng sở hữu khối tài sản ròng hơn 6 tỷ NDT (21.122 tỷ đồng). Để đạt được mục tiêu, Diêu Tụng phải làm việc chăm chỉ suốt 3 năm qua. Dù còn nhiều nghi ngờ, nhưng anh cho biết chỉ quan tâm đến việc tạo ra giá trị cho xã hội trong tương lai.
Giờ đây, CEO Orienspace vẫn ngày đêm làm việc chăm chỉ: "Tôi biết chỉ có cách này mới tạo nên điều kỳ diệu tiếp theo. Dù có nhận được tin nhắn của ai lúc 0h, tôi cũng sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất".