Được biết đến với cái tên "Ngàn cánh buồm", Trung Quốc cho biết chùm 14.000 vệ tinh sẽ tạo ra vùng phủ sóng Internet toàn cầu.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chiều ngày 6/8, tên lửa đẩy Trường Chinh 6A được phóng từ trung tâm Thái Nguyên ở phía bắc tỉnh Sơn Tây, đưa 18 vệ tinh quỹ đạo tầm thấp đầu tiên vào không gian đúng như kế hoạch.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, đến cuối năm 2025, Bắc Kinh đặt mục tiêu triển khai 648 vệ tinh trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO). Hai tên tuổi lớn đang khai thác dịch vụ này là SpaceX của Elon Musk và OneWeb của Eutelsat.
CNBC nhận định, vụ phóng nhấn mạnh tham vọng không gian của Trung Quốc và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đánh bật sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này khi cuộc chiến công nghệ giữa hai quốc gia mở rộng.
Năm 2020, Trung Quốc đã hoàn thành mạng Bắc Đẩu, cạnh tranh với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ, vốn được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Dự án “Ngàn cánh buồm” được thiết lập năm ngoái với mục tiêu tạo mạng lưới vệ tinh LEO đủ khả năng thách thức Starlink. Đơn vị chủ trì là Công ty công nghệ vệ tinh Yuanxin Thượng Hải. Dự án bao gồm ba giai đoạn, trong đó, giai đoạn cuối và đến năm 2030 sẽ vận hành hơn 14.000 vệ tinh để cung cấp đa dịch vụ thẳng đến thiết bị di động.
18 vệ tinh trong lần phóng này do GeneSat sản xuất. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Tin tức chứng khoán Thượng Hải hồi tháng 6, một lãnh đạo công ty tiết lộ kế hoạch “nghiên cứu phóng 36 và 54 vệ tinh trên mỗi tên lửa để đẩy nhanh tốc độ phóng”.
Vệ tinh LEO hoạt động ở độ cao từ 160 đến 2.000 km bên trên bề mặt Trái Đất, giảm độ trễ truyền dẫn và mất liên lạc so với vệ tinh địa tĩnh, phù hợp với các dịch vụ Internet vệ tinh. Chúng cũng cung cấp khả năng liên lạc nhanh hơn so với cáp biển và mang tính chiến lược vì ít điểm mù, hiệu quả chi phí tại vùng sâu, vùng xa.
Dù vậy, do không gian hạn chế trên quỹ đạo, cuộc đua tài nguyên vệ tinh LEO toàn cầu ngày càng căng thẳng. SpaceX dự định phóng 42.000 vệ tinh vào năm 2027, còn Trung Quốc đã thông báo với Liên minh Viễn thông quốc tế về kế hoạch triển khai 51.300 vệ tinh.
Ngoài “Ngàn cánh buồm”, các dự án quy mô lớn khác của Trung Quốc đang được lên kế hoạch, bao gồm chùm 12.992 vệ tinh của China Satellite Network, chùm 10.000 vệ tinh của Lanjian Aerospace.
Nhờ xuất phát sớm, Mỹ đang dẫn đầu về số lượng vệ tinh trong quỹ đạo. Zhang Rui, một thành viên của tổ chức China Market Research Society, nhận xét tương lai của vệ tinh Internet sẽ chứng kiến cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ, Trung Quốc, EU và Nga. Đây là những nền kinh tế lớn duy nhất có năng lực sản xuất và phóng vệ tinh, thiết bị mặt đất và dịch vụ vận hành.
(Theo SCMP, CNBC)