Đây là thỏa thuận đầu tư quy mô lớn đầu tiên ở Afghanistan, kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Trung Á vào tháng 8/2021, sau khi Mỹ rút toàn bộ binh sĩ đồn trú trong 20 năm. 

RT đưa tin, dù Bắc Kinh không công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp ở Afghanistan, song Trung Quốc xác nhận Taliban đang kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn, và đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng, cũng như chiến lược phát triển của đất nước tỷ dân. 

Các tay súng Taliban. (Ảnh: Reuters)

Trong khi các nhà ngoại giao phương Tây tháo chạy khỏi Kabul vào thời điểm Taliban tràn vào thủ đô của Afghanistan, các nhà đàm phán của Trung Quốc vẫn ở lại. 

Việc Trung Quốc ký kết thỏa thuận 540 triệu USD với chính quyền Taliban được cho nhằm mục đích đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. 

Trung Quốc, quốc gia có dân số đông nhất thế giới với nền công nghiệp khổng lồ, cũng là nơi tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Nguồn năng lượng trong nước không thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên lớn nhất thế giới và bắt tay với nhiều đối tác xuất khẩu năng lượng lớn như Nga, Ecuador và các quốc gia vùng vịnh ở Trung Đông. 

Afghanistan có chung đường biên giới ngắn với Trung Quốc và là ngã tư giữa Trung Đông, Trung Á và Nam Á. Điều này có nghĩa Kabul là một phần quan trọng trong chiến lược và an ninh của Trung Quốc. Dù lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn tiếp tục tấn công khủng bố, song Afghanistan hiện được đánh giá đang ở thời điểm ổn định nhất trong vòng 40 năm qua. 

Trên thực tế, Afghanistan đang có trữ lượng khoáng sản khổng lồ, cùng gần 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Với Trung Quốc, nguồn tài nguyên ở Afghanistan đóng vai trò quan trọng cho vấn đề an ninh năng lượng. Còn với Afghanistan, việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào khai thai tài nguyên sẽ vực dậy nền kinh tế đã bị rơi xuống đáy, kể từ sau khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi quốc gia Trung Á này. 

Bắc Kinh tin rằng khoản đầu tư vào Afghanistan sẽ giúp quốc gia Trung Á trở nên ổn định hơn nhờ thịnh vượng. Do đó, mô hình đầu tư của Trung Quốc được đánh giá là điều gì đó mới mẻ, tích cực và mang tính khác biệt cho Afghanistan, thay vì áp đặt lệnh trừng phạt như Mỹ. 

Tuy nhiên, khi ký kết thỏa thuận với Taliban, Trung Quốc cam kết tôn trọng nền chính trị và không can thiệp vào nội bộ của Afghanistan. 

Minh Thu