Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, diện mạo nông thôn của huyện Trùng Khánh, tỉnh Trùng Khánh có nhiều đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ, an ninh trật tự được giữ vững, hệ thống chính trị ở nông thôn ổn định.

Để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đề ra nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là với những tiêu chí khó. 

Cơ sở hạ tầng giao thông ở huyện Trùng Khánh được đầu tư khang trang. 

Xây dựng hạ tầng cơ sở được xác định là yếu tố quan trọng quyết định thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Trùng Khánh tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn ưu tiên huy động xã hội hóa mọi nguồn lực để triển khai thực hiện. 

Từ năm 2021 đến nay, huyện đầu tư trên 80 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Đầu tư xây dựng mới 3 sân thể thao, nhà văn hóa xã Phong Nặm và xã Quang Trung.

Riêng năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo và lồng ghép nguồn vốn khác, đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng hơn 1 km mương nội đồng tại xóm Bản Viết, xã Phong Châu; vận động nhân dân hiến đất, tham gia hơn 1.000 ngày công lao động mở rộng khuôn viên Trường Mầm non xã Phong Châu với diện tích 1.530 m2. 

Giai đoạn từ 2021 - 2023, người dân trên địa bàn huyện đã hiến 23.967 m2 đất, 23.773 ngày công lao động, đóng góp 890,48 triệu đồng làm đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cảnh quan môi trường, trồng cây, trồng hoa tại các tuyến đường...

Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, trên 70% lao động toàn huyện có việc làm thường xuyên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt trên 95%. Tỷ lệ các hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,4%... Đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện khu vực nông thôn đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Huyện khuyến khích người dân phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật, đưa một số giống lúa, ngô năng suất cao vào gieo trồng.

Đến nay, toàn huyện có trên 300 ha cây dẻ, tập trung tại các xã Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Minh, Đàm Thủy; sản lượng bình quân đạt 150 tấn/năm. Duy trì 400 ha nếp Ong, 1.100 ha cây hồi tại các xã Cao Chương, Xuân Nội. Duy trì và phát triển thương hiệu vịt cỏ Trùng Khánh... Hỗ trợ thành lập hợp tác xã phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị như kiệu, nếp Ong, cây ăn quả.

Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 xã so với giai đoạn 2016 - 2020. 

Huyện Trùng Khánh xác định mục tiêu tiếp tục duy trì và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Ngọc Côn, Cao Chương, Phong Châu. Các xã còn lại, mỗi xã đăng ký thực hiện và hoàn thành từ 1 - 2 tiêu chí/năm; bình quân tiêu chí/xã tăng từ 1 - 1,5 lần. Đến hết năm 2025, huyện không còn xã dưới 15 tiêu chí; bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã. Đến hết năm 2024, phấn đấu 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đàm Thuỷ, Quang Trung và Phong Nặm. 

Ngoài ra, thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, huyện đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về dịch vụ giữa nông thôn - thành thị phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số của huyện, của ngành nông nghiệp và từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh. 

Ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 90% hồ sơ công việc cấp xã, được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 95% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông; trên 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao. 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Có ít nhất 40% số xã cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh, trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn xóm có phương tiện nghe, nhìn để tiếp cận thông tin (tivi hoặc máy radio) trên 85%. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trên 50%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 65%.

Xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh nổi trội theo các lĩnh vực (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường hoặc văn hóa…). Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 01 mô hình để địa phương khác tham quan, học tập, nhân rộng.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV