Với hơn 12,1 triệu lượt góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao tập trung các nguồn lực, nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của Nhân dân trên tinh thần cầu thị, lắng nghe vì lợi ích chung của đất nước.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2023.
Thu hồi đất là một trong bốn nhóm vấn đề nhiều ý kiến góp ý nhất
Nghị quyết nêu rõ kết quả tổng hợp lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện khoa học, với số lượng ý kiến nhận được rất lớn. Đến ngày 8/4, cơ quan soạn thảo đã nhận được hơn 12,1 triệu lượt ý kiến góp ý.
Trong đó các vấn đề có nhiều ý kiến nhất là: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; tài chính đất đai, giá đất...
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp nghiêm túc làm rõ các vấn đề đã được thể chế hóa trong Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn hiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo điều kiện đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo luật, làm rõ những vấn đề đã được quy định ở Luật Đất đai hiện hành và các luật có liên quan, vấn đề mới phát sinh, cần giải trình và nêu rõ lý do giải trình về từng nhóm vấn đề.
Tiếp thu tối đa góp ý xác đáng, phân tích kỹ các vấn đề còn ý kiến khác nhau
Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung các nguồn lực, nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của Nhân dân trên tinh thần cầu thị, lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp, vì lợi ích chung của đất nước.
Đồng thời có hình thức cung cấp thông tin công khai, phù hợp, hiệu quả về các nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân.
Chính phủ yêu cầu trong tháng 4/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý hợp lý, giải trình đầy đủ, thuyết phục về các đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chính phủ yêu cầu cần phân tích kỹ lưỡng các phương án và phân tích đầy đủ, khoa học các ưu, nhược điểm của từng phương án, có lập luận khách quan, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thiện từng vấn đề, bảo đảm tính đồng bộ, ổn định và khả thi của các chính sách.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện dự án Luật này để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV.
Yêu cầu hoàn thiện quy định về sở hữu nhà chung cư
Về việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Trong đó, hoàn thiện quy định về sở hữu nhà chung cư, quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân người nước ngoài sở hữu tại Việt Nam và hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại cần thống nhất với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), phù hợp với Nghị quyết số 18, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, rà soát, quy định các nội dung chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, bảo đảm phù hợp với các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Cùng với đó là hoàn thiện các chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp…
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và Hiến pháp, phù hợp tình hình thực tiễn; không cầu toàn, không nóng vội...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh như vậy khi chủ trì lấy ý kiến các địa phương khu vực phía nam về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) , tổ chức tại TP. Cần Thơ, sáng 14/3.