Tối 26/5, triển lãm mỹ thuật thiếu nhi mang tên Màu yêu thương khai mạc tại Hội Mỹ thuật TP.HCM - cơ sở 2 (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Triển lãm trưng bày 270 tác phẩm của 260 tác giả thiếu nhi, từ 4 đến 14 tuổi. Các tranh được vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau như màu nước, màu nước nén, màu sáp dầu, màu acrylic, chì màu kết hợp, thủ công và chất liệu tổng hợp…
Các em vẽ những chủ đề về thiên nhiên, tĩnh vật, gia đình, trường học, ước mơ… với ý tưởng đa dạng và phong phú, phù hợp với độ tuổi, cá tính của mình. Triển lãm là nơi các họa sĩ nhí được giao lưu học hỏi, được tự tin thể hiện rõ cá tính trên từng tác phẩm.
Thông qua triển lãm cùng các bức tranh, các em mong muốn mang đến nhiều màu sắc cuộc sống với người xem.
Việc tổ chức triển lãm tranh cho thiếu nhi của Trung tâm Mỹ Thuật Chất tại Hội Mỹ thuật TP.HCM là nỗ lực nhằm chắp cánh ước mơ của các em, tạo không gian sáng tạo, sân chơi để mỗi bạn nhỏ được thể hiện hết mình.
Tại lễ khai mạc, hoạ sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM đánh giá cao mục đích và ý nghĩa triển lãm. “Với rất nhiều tranh tham dự hôm nay, có thể thấy các em có cách thể hiện tình cảm rất riêng đối với thiên nhiên, cảnh vật, con người, thành phố, đất nước… Tình yêu trong sáng được đặt vào trong nét vẽ, gam màu. Hội rất trân quý vì triển lãm đã khơi gợi tình yêu hội hoạ nơi trẻ nhỏ”, anh nói.
Hội đồng chấm giải vẽ tranh trong triển lãm gồm hoạ sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM; hoạ sĩ Đoàn Thế Vỹ - Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật TP Thủ Đức; hoạ sĩ Vi Nguyễn - phụ trách Trung tâm Mỹ Thuật Chất công bố sẽ có 24 giải thưởng dành cho thiếu nhi được trao vào ngày 9/6. Các giải thưởng được chia đều cho 3 lứa tuổi: từ 4 đến 6 tuổi, từ 7 đến 10 tuổi, từ 11 đến 14 tuổi.
Hoạ sĩ Vi Nguyễn nhận định mỗi bức tranh của các em là một câu chuyện, một biểu hiện chân thực về cảm xúc. Khi nhìn vào tranh vẽ của các bé, người xem có thể cảm nhận rõ ràng sự năng động, tình cảm, tính cách mạnh mẽ hay nhẹ nhàng, vui vẻ hay trầm tư…
"Tranh ảnh cũng là một sự phản chiếu tâm hồn và cá tính riêng biệt của tác giả nhí. Chúng ta có thể cảm nhận khả năng sáng tạo vô biên, khả năng biến những ý tưởng thành hiện thực trên giấy của trẻ”, họa sĩ nói.
Hoạ sĩ Vi Nguyễn cho biết thêm, trung tâm là nơi để nhiều học sinh có thể đến học hỏi, rèn luyện và vẽ tranh. Các lớp học không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn tạo ra một môi trường để các bé khám phá và phát triển khả năng nghệ thuật của bản thân.
“Trung tâm khuyến khích sự sáng tạo bằng cách sử dụng nhiều loại chất liệu khác nhau và khám phá các phong cách nghệ thuật đa dạng. Với không gian này, các em luôn có thể là chính mình, vẽ những gì mình thích và xử lý tác phẩm theo cách riêng.
Dựa trên các bài học, học viên sẽ được khuyến khích phát triển ý tưởng, tạo nên những tác phẩm độc đáo và mang đậm tính cá nhân”, hoạ sĩ Vi Nguyễn chia sẻ.
Ảnh: BTC