Trí tuệ nhân tạo (AI) vừa được sử dụng để hoàn thiện tác phẩm chưa vẽ xong của cố họa sĩ người Mỹ Keith Haring. Phần vẽ thêm mang đúng phong cách của Haring nhưng cộng đồng mạng vẫn không hài lòng.

Nhiều người cho rằng, thông điệp của bức tranh đã không còn, đồng thời đặt ra các câu hỏi về đạo đức. 

tranh keith haring.jpg
Bức tranh gốc của Keith Haring (trái) và bản vẽ hoàn thiện của AI. Ảnh: Euronews

AI bị con người lợi dụng 

Theo Euronews, mọi chuyện bắt đầu khi nghệ sĩ Brooke Peachley chia sẻ tác phẩm Bức tranh dang dở trên mạng xã hội. Peachley ca ngợi đây là một ví dụ về “nghệ thuật thị giác không bao giờ làm bạn thất vọng mỗi khi thưởng lãm”. 

Keith Haring mới vẽ được một phần bức tranh thì qua đời vì các biến chứng liên quan đến AIDS ở tuổi 31 vào năm 1990. 

Một người tên Donnel đã quyết định vẽ nốt tác phẩm bằng AI. “Câu chuyện đằng sau bức tranh này thật buồn. Nhờ AI, chúng ta có thể vẽ nốt những gì họa sĩ không thể hoàn thành”, Donnel viết. Kèm theo chia sẻ trên là phiên bản lấp đầy khoảng trắng của tác phẩm gốc bằng những họa tiết đặc trưng của Haring. 

Tuy nhiên, Donnel không nhận ra những nét vẽ hoàn thiện đã làm mất đi thông điệp của nghệ thuật.

Bức tranh dang dở gợi tới cuộc sống bị cắt đứt của nhiều người mắc căn bệnh AIDS vào những năm 1990. Vì vậy, việc bất kỳ ai vẽ nốt tranh đã phá hủy bối cảnh, ý nghĩa của tác phẩm. 

Một người dùng mạng xã hội nhận xét: “AI biến bức tranh của một con người thành những dòng chữ nguệch ngoạc vô nghĩa” trong khi một người khác đánh giá, việc sửa đổi tranh xúc phạm đến sáng tạo của Haring.  

keith haring.jpg
Sự nghiệp nghệ thuật của Haring ngắn ngủi nhưng rực rỡ. Ảnh: Galeries-bartoux

Trong khi đó, một số người cho rằng Donnel muốn gây ra sự tranh cãi để tăng lượt xem và tương tác. Không ít nội dung đăng tải trên mạng xã hội chỉ nhằm mục đích duy nhất là khơi dậy sự tức giận. “Đây có thể là bài đăng mồi nhử hay nhất mà tôi từng thấy. Đối với một số người, bức vẽ của AI là sự báng bổ”, một người xem nhận định. 

Việc tô vẽ tác phẩm của Haring dù chỉ là bản online cũng đặt ra những câu hỏi về đạo đức. Nhiều bình luận cho rằng việc sử dụng AI để hoàn thành tranh của một nghệ sĩ quá cố là phi đạo đức, trong trường hợp này cho thấy sự thiếu tôn trọng các bệnh nhân AIDS cùng người thân của họ. 

Bức tranh dang dở của họa sĩ vắn số 

Keith Haring là một nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ. Các sáng tác của anh lấy cảm hứng từ trải nghiệm sống ở New York, đặc biệt là những bức vẽ graffiti. 

Trong suốt sự nghiệp của mình, Haring sử dụng nghệ thuật đề cập tới nhận thức về AIDS, nghiện ma túy và bất bình đẳng xã hội. Anh được biết đến nhờ những bức tranh tường ở các thành phố trên thế giới. 

Nhưng cuộc đời của Haring đã chấm dứt quá sớm do biến chứng liên quan đến AIDS vào năm 1990. Tới nay, người hâm mộ vẫn tranh cãi về bức tranh nào là tác phẩm cuối cùng của nghệ sĩ mãi mãi tuổi 31. 

Trong số đó có Bức tranh dang dở với đường nét đồ họa tươi sáng. Tác phẩm mô tả một nhóm nhân vật đang nhảy múa, nắm tay nhau vui vẻ ăn mừng. 

Tranh được vẽ vài tháng trước khi Haring qua đời, phần lớn chưa sơn và còn thấy rõ dấu bút chì. Điều đó khiến người xem có cảm giác như thể Haring đang vẽ thì bị gián đoạn đột ngột và bi thảm. Cuộc sống rõ ràng quá mong manh, mạng sống của con người có thể bị tước đoạt bất ngờ. Haring phát hiện bị AIDS vào năm 1988 và qua đời chỉ hai năm sau đó. 

rung nhiet doi.jpg
Bức 'Khu rừng nhiệt đới cuối cùng' được sáng tác năm 1989-1990

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng tác phẩm cuối cùng của Haring là bức Khu rừng nhiệt đới cuối cùng sáng tác năm 1989 và hoàn thành năm 1990. Tranh mô tả thế giới động thực vật phong phú trong khung cảnh rừng nhiệt đới với tông màu cam, vàng và sắc đen.