Ngày 7/8, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức gặp gỡ trẻ em tham dự Diễn đàn Trẻ em Quốc gia lần thứ VII năm 2023, với sự tham gia của 73 đại biểu thiếu nhi, đại diện cho 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành trên cả nước.

Dự chương trình gặp mặt có Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang; Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Vĩnh Nam.

Tại đây, các em đã trình bày những thông tin quan tâm, trong đó, nổi bật nhất là giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Theo báo cáo được các em thảo luận và đưa ra kiến nghị, hiện trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều từ mạng xã hội như bạo lực ngôn từ, thông tin, hình ảnh thông qua những lời công kích, nội dung tục tĩu chê bai về hình thể; lừa đảo; quấy rối, xâm hại; thông tin lệch chuẩn.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang trò chuyện cùng các đại biểu bên lề sự kiện. 

Một em cho biết, khi tìm kiếm thông tin trên mạng, thường xuất hiện những thông tin xấu, độc. Trong khi đó, nhiều bạn, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hay khuyết tật rất khó để tiếp cận những thông tin lành mạnh.

Em Mai Quỳnh Anh đến từ Lào Cai cho rằng, những thông tin xấu độc, sự tấn công từ mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đến bạn trẻ. “Chúng em rất cần sự đồng hành hỗ trợ của người lớn, tổ chức Đoàn, Đội để ổn định tâm lý trước thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng”, Quỳnh Anh nói.

“Tổ chức Đoàn, Hội đồng Đội có hoạt động nào giúp đỡ trẻ em có kiến thức bảo vệ bản thân?”, bạn Tuyết Anh, đoàn Đồng Tháp đặt câu hỏi. 

Các đại biểu thiếu nhi cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức, hỗ trợ tâm lý. Trong đó, cần có một fanpage ở trên mạng xã hội để tuyên truyền, chia sẻ về kiến thức, ngăn ngừa hành vi xấu, với thành viên nhóm sẽ gồm cả trẻ em và phụ huynh, Đoàn Thanh niên; thành lập Câu lạc bộ “Những chiến thần bảo vệ trẻ em”.

Các em bày tỏ mong muốn tổ chức Đoàn, Đội phối hợp với các bộ ngành liên quan để phát hiện và xử lý các nội dung, vấn đề xấu độc trên không gian mạng với trẻ em. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận thông tin hữu ích, kỹ năng sống trên mạng.

Đồng thời mời người nổi tiếng chia sẻ để giáo dục truyền thống cho các em; mời chuyên gia tâm lý nói chuyện để các em có thêm kỹ năng tương tác an toàn. Tổ chức các cuộc thi trên mạng về chủ đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tổ chức các sân chơi, cuộc thi, trò chơi, sân khấu hóa hấp dẫn, thú vị, mang tính giáo dục tại nhà trường và ở cộng đồng, đảm bảo trẻ khuyết tật có thể tham gia, để trẻ em có môi trường lành mạnh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương cho biết, hiện môi trường mạng có nhiều nội dung không an toàn. Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội đã và đang làm nhiều việc, quyết tâm để có được những điều tốt nhất cho các em.

Tổ chức Đoàn, Đội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để trang bị kỹ năng cho các em. Đặc biệt là việc tổ chức các chương trình như: Thiếu nhi rèn luyện tốt, rèn luyện chăm; Tuổi trẻ Việt Nam rèn đức luyện tài… giúp các em vừa nâng cao kỹ năng, vừa rèn luyện sức khỏe thể chất.

Theo anh Long, các em đang phát triển cả thể chất và tinh thần, vì thế không nên tiếp xúc quá nhiều với môi trường mạng. Cần ra sân chơi thực tế để có sức khỏe thể chất, tinh thần. 

“Nên hạn chế tham gia mạng xã hội vì nhiều thông tin xấu, độc dẫn đến bị lừa đảo, xâm hại. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và chia sẻ với giáo viên, tổng phụ trách, phụ huynh để có giải pháp”, anh Long nói.

Bên cạnh vấn đề an toàn không gian mạng, nhiều em chia sẻ những băn khoăn của bản thân, về khó khăn khi bày tỏ cảm xúc của mình. Bạn Nguyễn Ngọc Tường Vy (đoàn Đồng Nai) cho biết: “Ở lứa tuổi dậy thì, một số bạn gặp vấn đề trong cuộc sống thì bị rối loạn cảm xúc, có khi hỗn láo và bị xem là bất kính với bố mẹ. Đây là thực trạng khá nguy hiểm, nhưng khá khó nói, không biết tâm sự với ai".

Có bạn còn đặt vấn đề: “Hiện nhiều phụ huynh dạy con cháu theo quan điểm xưa, kiểu "yêu cho roi cho vọt" và cho rằng lì lợm nên phải đánh. Vậy, phương pháp này có phù hợp nữa không?”

Em Nguyễn Văn Hiếu Nghĩa đến từ Nghệ An chia sẻ, em có tuổi thơ nhiều nỗi buồn, nước mắt vì bị bỏ rơi, bị bạo hành và kỳ thị. Hiện em đã có cuộc sống tốt hơn, được sống, học tập trong môi trường được thầy cô, bạn bè yêu thương nhưng em thường bị ám ảnh bởi ký ức tuổi thơ, nên không ít lần rơi vào buồn chán. Câu hỏi “Làm sao giúp con vượt qua được ký ức không vui?” của em đã nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của anh, chị, cô, chú và các đại biểu tham dự. 

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các em tại buổi gặp mặt, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng, trẻ em hôm nay rất tự tin, thông minh, mạnh dạn, bản lĩnh dám thể hiện những quan điểm của mình. “Các em không chỉ nêu ý kiến với các cô chú, anh chị, mà còn đề xuất các giải pháp các em sẽ làm gì, thể hiện trách nhiệm đối với những vấn đề của trẻ em”, chị Trang nhấn mạnh.

Chị Trang mong muốn, với tâm thế tự tin, bản lĩnh, sau khi tham gia các hoạt động của Diễn đàn trẻ em Quốc gia năm 2023, các em sẽ là những tuyên truyền viên măng non để lan tỏa thông tin, giá trị tích cực, bổ ích cho các bạn của mình.

Đặc biệt, chị Trang hoan nghênh ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Những chiến thần bảo vệ trẻ em và hy vọng các bạn sẽ đồng tâm, hiệp lực để xây dựng phát triển thành công câu lạc bộ này với nòng cốt là các bạn tham gia Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII.

“Các em phải hành động, phải là những chiến binh dũng cảm trong việc bảo vệ trẻ em và bảo vệ chính mình. Tổ chức Đoàn, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, giúp các em có được môi trường tốt nhất, an toàn, lành mạnh nhất để phát triển toàn diện”, chị Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV