Sau vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), khiến nhiều xe ô tô bị rơi xuống sông và cuốn theo dòng nước lũ, nhiều người đã đưa ra một số kinh nghiệm phòng trừ trường hợp này bằng cách hạ cửa kính ô tô mỗi khi đi qua cầu. Ý kiến này đưa ra đã nhanh chóng nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ phía người dùng và ngay cả những người đang làm trong công tác đào tạo lái xe an toàn.
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia đào tạo lái xe an toàn Nguyễn Hồng Vinh cho rằng: "Kỹ năng hạ kính khi đi qua cầu thường áp dụng cho dân chơi offroad vì các bài thi vượt cầu vốn rất khó. Nên người lái buộc phải hạ kính để dễ quan sát và khi bị lật xe dễ dàng chui ra khỏi xe."
Tuy nhiên, khi lái xe đi qua các cây cầu, việc hạ kính ô tô là điều không cần thiết nếu đó là một cây cầu được xây vững chắc có khả năng chịu tải trọng lớn. Chưa kể khi bị tắc đường trên cầu, khí thải của nhiều xe ô tô gây ô nhiễm. Nếu cứ hạ kính ô tô, người ngồi trong xe sẽ rất khó chịu. Việc hạ kính ô tô chỉ nên áp dụng khi đi qua những cây cầu nhỏ, bị hạn chế tải trọng và đã quá cũ, anh Vinh nói thêm.
Còn anh Khúc Cao Thế, thầy giáo dạy lái xe tại khu vực Long Biên (Hà Nội) nhận định điều kiện giao thông tại Việt Nam vốn ô nhiễm khói bụi, khí thải nên hiếm có người lái xe nào đang đi mà có thói quen hạ kính nên khi đi qua cầu càng không có thói quen như vậy.
Trong trường hợp mưa to gió lớn, nếu hạ kính ô tô để đi qua cầu thì những người ngồi trong xe sẽ bị ướt hết, chưa kể các thiết bị điện tử trong xe có nguy cơ bị hư hỏng do ảnh hưởng bởi nước mưa.
"Nếu đi xe ô tô qua cầu mà cứ lo cầu bị sập thì tốt nhất là không nên đi qua cầu. Ngay cả việc phòng trừ trong tình huống cầu sập khiến ô tô bị rơi xuống nước, xác suất này rất thấp không khác gì trúng xổ số Vietlott. Vì thế, thay vì lo lắng đi qua cầu bị sập, người lái xe cần nắm vững cách xử lý trong trường hợp ô tô bị chìm xuống nước", anh Thế cho hay.
Trong khi đó, từ góc độ của cộng đồng những người sử dụng xe, nhiều người chỉ ra còn nhiều kinh nghiệm xử lý quan trọng hơn khi xe bị rơi xuống nước thay vì hạ kính ô tô mỗi khi đi qua.
Một người có tài khoản Lưu Bá Hưng cho biết: "Kỹ năng trong trường hợp này là phải biết bơi, nếu không biết bơi thì có thoát khỏi xe thì cũng sẽ bị chết đuối. Ngoài ra, một điều đặc biệt cần nhớ là phải bỏ hết giày vì khi mang giày sẽ không thể bơi được."
Một tài khoản khác có tên Kiên Bùi nói: "Có thêm kiến thức là tốt nhưng thực tiễn đôi khi áp dụng lại chưa phù hợp". Còn tài khoản có tên Nam NT chỉ ra: "Khi xe vừa rơi xuống nước, hệ thống điện vẫn còn hoạt động một lúc nên vẫn có thể hạ kính được, quan trọng là cần bình tĩnh để xử lý."
Trên thực tế, các chuyên gia đào tạo lái xe an toàn cũng không đưa ra những khuyến cáo nên hạ kính ô tô khi xe đi qua cầu mà thay vào đó họ thường hướng dẫn cho người dùng biết cách thoát hiểm an toàn nhất khi xe rơi xuống nước.
Anh Nguyễn Hồng Vinh khuyến cáo: "Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tùy thuộc vào cách xe bị xuống nước, xe của bạn có thể nổi trong 30 giây hoặc lâu hơn trước khi chìm. Hãy tìm cách đập kính ở hai bên cửa xe một cách nhanh nhất để thoát ra. Sự hoảng loạn không giúp bạn được điều gì trong tình huống này."
Trong khi anh Khúc Cao Thế cho rằng mọi người thường thấy búa phá kính ở trên những chiếc xe buýt hoặc xe chở khách nhưng ít người dùng xe con chủ động trang bị chiếc búa phá cửa cho xe cá nhân.
Vì vậy, đừng bỏ qua việc sắm cho mình một chiếc búa phá kính vì giá thành khá rẻ, khoảng trên dưới 100.000 đồng. Nó khá nhỏ gọn và người dùng hoàn toàn có thể để ở các vị trí hốc để đồ có nắp đậy để sử dụng mỗi khi cần, dù biết là chẳng ai muốn dùng đến nó.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!