6 năm, huy động trên 2000 tỷ đồng phát triển OCOP

Học hỏi kinh nghiệm từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của nước bạn Nhật Bản, Quảng Ninh đã thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) với cách làm sáng tạo. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, sau 6 năm (2014 - 2019) triển khai thực hiện, chương trình OCOP Quảng Ninh đã mang lại nhiều hiệu quả.

Chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Từ chỗ phải tuyên truyền, vận động hướng dẫn đến nay người dân đã chủ động tham gia thực hiện: đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ  vào sản xuất...

Tổng vốn huy động vào phát triển sản xuất giai đoạn 2014 - 2019 đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất, máy móc thiết bị, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại... khoảng 240 tỷ đồng, chiếm khoảng 12%.

{keywords}
 

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển sản phẩm OCOP. Năm 2018 cộng đồng dân cư đã đăng ký và được chấp thuận 93 ý tưởng sản phẩm mới, tăng hơn 3 lần so với mục tiêu đề ra của năm. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019 đã có 97 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP, tăng 67 sản phẩm so với chỉ tiêu đề ra của năm 2019 là 30 sản phẩm, bằng cả năm 2018; khẳng định OCOP đã có một sức hút mạnh mẽ với doanh nghiệp và người dân.

Các tổ chức kinh tế phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Năm 2014 có 40 tổ chức kinh tế tham gia, đến nay đã có 164 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia chương trình OCOP.

Đến nay sản phẩm Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, góp phần phục vụ phát triển du lịch của tỉnh: Năm 2014 có 40 sản phẩm, đến nay đã có 421 sản phẩm. Trên 80% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc.

Những  năm gần  đây doanh số bán hàng OCOP của  các  đơn vị  đều tăng bình quân từ trên 40% năm, cá biệt có doanh nghiệp doanh thu tăng 100%.

Chương trình cũng khơi dậy được tiềm năng lợi thế từ các sản vật truyền thống văn hóa sẵn có của địa phương tạo ra hàng hóa có giá trị cao phục vụ cộng đồng. Tỉnh Quảng Ninh duy trì và tổ chức thành công các hội chợ OCOP thường niên cấp tỉnh (2 lần/năm). Qua 9 kỳ hội chợ thường niên OCOP cho thấy chương trình ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, kỳ sau cao hơn kỳ trước, bình quân thu hút từ 60 - 70 ngàn lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng đạt trung bình 12 - 15 tỷ đồng/kỳ hội chợ..

Sẽ tập trung 4 trụ cột chính

Hiện Quảng Ninh đã có 421 sản phẩm (ở tất cả các nhóm ngành hàng) tham gia vào chu trình OCOP, trong đó có 196 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao, được kiểm duyệt rất kỹ về chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, nhận diện thương hiệu. Sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã người tiêu dùng và người sản xuất ủng hộ.

Được biết, chương trình OCOP Quảng Ninh giai đoạn 2 đặt ra những mục tiêu định hướng mới. Cụ thể, chương trình sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính, để tổ chức phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Theo đó, ở trụ cột 1, tiếp tục hoàn thiện đề án, chu trình OCOP và bộ khung công cụ của chương trình. Đây là bộ khung pháp lý và cũng là cơ sở căn cứ, để từ đó triển khai. Ban Chỉ đạo OCOP Quảng Ninh tiếp tục rà soát, để hoàn thiện thêm Chương trình OCOP.

{keywords}
 

Cùng với đó là xây dựng hoàn thiện bộ máy cán bộ chuyên môn trực tiếp làm OCOP các cấp với yêu cầu: Không chỉ thực hiện tốt chức năng tham mưu chỉ đạo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển chương trình, còn có sự nhiệt tình, đầy tâm huyết trong việc thực hiện, trực tiếp tuyên truyền vận động; tư vấn, hỗ trợ, tổ chức cho phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Bên cạnh phát huy các ý tưởng sáng tạo mới, Quảng Ninh sẽ tập trung mạnh cho phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, từ việc nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn cao trong sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm, đến việc hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, bảo hộ trí tuệ và truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm và hình thành các chuỗi sản phẩm OCOP. Lựa chọn những sản phẩm có cơ hội đưa vào sản phẩm chủ lực như: Miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, Ba Kích tím, cây Trà Hoa Vàng… Đây là những sản phẩm cơ bản chủ lực ở những huyện tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.

N.H