Song Hong Land vừa báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty CP Sông Hồng (MCK: SHG) kể từ ngày 28/12/2023, sau khi mua vào 13,23 triệu cổ phiếu SHG, tương đương 49% vốn cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng.
Động thái này diễn ra sau khi Bộ Xây dựng thông báo đấu giá thành công hơn 13,24 triệu cổ phiếu SHG, hoàn tất thoái toàn bộ hơn 49% vốn doanh nghiệp.
Theo kết quả phiên đấu giá, hai nhà đầu tư đã mua toàn bộ hơn 13,24 triệu cổ phiếu SHG với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 3 lần thị giá SHG giao dịch trên thị trường cùng thời điểm.
Trong đó, CTCP Đầu tư Địa ốc Sông Hồng là nhà đầu tư tổ chức đã mua 13,23 cổ phiếu SHG, tương đương với số tiền đã bỏ ra là gần 139 tỷ đồng.
Trước đó, Song Hong Land không nắm giữ bất kỳ cổ phần SHG nào.
Với việc chào bán thành công, Bộ Xây dựng thu về hơn 139 tỷ đồng và không còn là cổ đông của Tổng công ty Sông Hồng.
Theo công bố thông tin của CTCP Đầu tư Địa ốc Sông Hồng, doanh nghiệp này có địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà văn phòng số 165 Thái Hà (Sông Hồng Parkview), phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Người đại diện pháp luật là Văn Diễm Hương.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản, xây dựng công trình, dịch vụ ủy thác đầu tư, kinh doanh dịch vụ khu vui chơi, giải trí...
Đáng chú ý, CTCP Đầu tư Địa ốc Sông Hồng có các cổ đông sáng lập gồm chính Tổng công ty CP Sông Hồng, CTCP Xây dựng Sông Hồng; CTCP Đầu tư kinh doanh Bất động sản Sông Hồng và CTCP Đầu tư xuất nhập khẩu Biển Bắc.
Tổng công ty Sông Hồng làm ăn ra sao?
Ngày 9/1, Bộ Công an phát đi thông tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tiến hành bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Sông Hồng, vì có hành vi sai phạm liên quan đến Công ty AIC và Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh.
Trong khi đó, Tổng Công ty CP Sông Hồng ngày 29/12/2023 có thông báo miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Lã Tuấn Hưng với lý do xin nghỉ phép dài hạn và bổ nhiệm ông Phan Việt Anh làm quyền Tổng giám đốc Tổng công ty.
Tổng công ty Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, trực thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập năm 1958.
Năm 2009, doanh nghiệp thực hiện đấu giá lần đầu (IPO) gần 7 triệu cổ phần với giá đấu giá thành công là 22.290 đồng/cổ phiếu từ giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu.
Sau cổ phần hoá SHG, Bộ Xây dựng là đại diện cho 49,04% phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.
Nhưng kể từ khi cổ phần hóa đến nay, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn.
Sau nửa đầu năm 2023, Tổng công ty Sông Hồng đạt doanh thu thuần chỉ hơn 3,8 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Kết thúc nửa đầu năm 2023, tổng công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 27 tỷ đồng.
Qua đó, nâng khoản lỗ lũy kế của Tổng công ty Sông Hồng tính đến thời điểm 30/6/2023 lên 1.292 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của tổng công ty âm 986 tỷ đồng.
Tính đến hết quý II/2023, tổng công ty ghi nhận nợ phải trả là 1.971 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ chi phí phải trả ngắn hạn là 912 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính là hơn 313 tỷ đồng.