Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 - 1/11.

Trước đó, vào ngày 23/10, tại hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa 20, Ban chấp hành TƯ ĐCS Trung Quốc đã chính thức bầu Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng bí thư. Nhân dịp này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình tái cử Tổng bí thư Ban chấp hành TƯ ĐCS Trung Quốc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tại Hà Nội tháng 12/2011, trong chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Trong điện mừng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương ĐCS Trung Quốc với Tổng bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân và sự định hướng của tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, toàn đảng và toàn dân Trung Quốc nhất định sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội 20 đề ra, sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản hoàn thành hiện đại hóa XHCN, tiến tới xây dựng Trung Quốc thành quốc gia XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 theo lời mời của ông Tập Cận Bình. Điều này khẳng định mối quan hệ vững chắc giữa hai đảng, cũng như tình cảm cá nhân tốt đẹp giữa hai Tổng bí thư. 

Chuyến công du cũng cho thấy uy tín, vị thế đặc biệt của Việt Nam, triển vọng tốt đẹp trong quan hệ Việt - Trung với bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc, trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới đang diễn biến phức tạp.

Kiên định vai trò lãnh đạo của đảng

Theo nhiều nhà nghiên cứu, mối quan hệ giữa ĐCS Trung Quốc và ĐCS Việt Nam đóng vai trò định hướng và dẫn dắt sự phát triển của mối quan hệ Việt - Trung. Các cuộc trao đổi của các nhà lãnh đạo ĐCS Trung Quốc và ĐCS Việt Nam là một đặc điểm quan trọng và độc đáo trong sự phát triển của quan hệ Trung - Việt, cũng như đảm bảo rằng sự phát triển đó luôn đi đúng hướng bất chấp còn tồn tại khác biệt.

Giáo sư Phan Kim Nga - nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng tình cảm và sự trân trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy sự độc đáo và quan trọng của quan hệ Việt - Trung và "cần lưu ý rằng quan hệ giữa hai đảng cầm quyền đóng vai trò định hướng trong quan hệ tổng thể của cả hai nước”.

Trung Quốc và Việt Nam không chỉ là hai quốc gia láng giềng mà còn là hai nước XHCN dưới sự lãnh đạo của ĐCS, có chung lợi ích về tư tưởng, an ninh chính trị và ngày càng hội nhập hơn về kinh tế. Do vậy, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ nêu bật niềm tin và thành tựu của hai nước trong việc kiên định giữ vững vai trò lãnh đạo của ĐCS, thể hiện quyết tâm đi theo con đường XHCN, từ đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai đảng và hai nước.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam ngày nay dựa trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Kể từ khi giành độc lập, Việt Nam đã duy trì chính sách không liên kết, thể hiện trong chính sách quốc phòng “4 không”. Để thực hiện các chính sách này, Việt Nam chủ động mở rộng phạm vi quan hệ đối ngoại bằng cách thiết lập quan hệ đối tác, tham gia các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, xây dựng chủ nghĩa đa phương tích cực hơn.

Việt Nam xây dựng mạng lưới rộng khắp với 17 quan hệ đối tác chiến lược và 13 quan hệ đối tác toàn diện, cũng như tăng cường quan hệ với nhiều nước khác. Tính đến tháng 7/2021, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. 

Đặc biệt, việc Việt Nam là một trong số ít nước ở châu Á - Thái Bình Dương thực hiện 3 FTA thế hệ mới. Trong đó, hiệp định CPTPP kết thúc đàm phán khi Việt Nam là Chủ tịch Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và gần đây là việc ký kết hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải cách, nâng tầm kinh tế đất nước để hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thúc đẩy tin cậy về chính trị, hợp tác về kinh tế

Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế giũa hai nước. Sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đảm bảo chuỗi cung ứng và sản xuất sẽ là những nội dung chính trong chương trình nghị sự giữa hai bên nhân chuyến thăm.

Hiện nay, cả hai nước đều là thành viên của hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vì vậy, chuyến thăm cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy sự gắn kết và sức ảnh hưởng của RCEP.

Ông Kalvin Fung Ka-shing - nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Đại học Waseda ở Tokyo (Nhật Bản) bình luận, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phản ánh “tình đoàn kết và nét tương đồng trong hệ tư tưởng của hai bên”.

Ông Fung cũng cho rằng, thông điệp của nhà lãnh đạo Việt Nam chúc mừng kết quả Đại hội 20 của ĐCS Trung Quốc cũng như chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “hoàn toàn phù hợp với truyền thống quan hệ Việt - Trung”.

Về chính trị, rõ ràng Hà Nội và Bắc Kinh đều thiết lập được nền tảng tin cậy chính trị cao. Về kinh tế, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ông Bai Ming, Phó giám đốc Viện nghiên cứu thị trường quốc tế thuộc Học viện hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc, cho rằng quan điểm nhất quán của Trung Quốc là phát triển hợp tác kinh tế Trung - Việt. Ông hy vọng thông qua cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đảng, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước có thể được nâng lên tầm cao mới.