Với những tư tưởng đổi mới mang dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các văn kiện Đại hội Đảng, có thể khẳng định Tổng Bí thư sinh ra để làm lý luận về xây dựng Đảng.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương với VietNamNet khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận xuất sắc, tài ba của Đảng ta.
Từ 3 số “8” của Cương lĩnh 2011
Dấu ấn lớn nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại phải kể đến là những đổi mới trong văn kiện Đại hội 11. Đây là một trong những đại hội quan trọng nhất, có nhiệm vụ thông qua Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta 2 lần ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH): Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.
“Cương lĩnh 1991 mới phác họa ra 6 đặc trưng và 7 phương hướng đi lên CNXH ở nước ta, nhưng đến Cương lĩnh 2011 mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Tổ trưởng Tổ biên tập, đã phát triển thành 8 đặc trưng. Có thể nói đây cũng chính là mô hình Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam”, ông Thông nhấn mạnh.
Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 còn hoàn thiện 8 phương hướng đi lên CNXH. Điều đặc biệt nhất là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng đã đưa ra 8 mối quan hệ lớn và đã được Đại hội thông qua.
Các nhà lý luận đánh giá cao 3 số “8” trong các điểm mới của Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Đó là 8 đặc trưng, 8 phương hướng và 8 mối quan hệ.
“Cả 3 số 8 này đều có dấu ấn rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội 11”, ông Thông nói.
Theo ông Thông, một dấu ấn nữa không thể phủ nhận là Đại hội 11 đã làm rõ hơn vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.
Nếu như Đại hội 7 khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng thì 10 năm sau tại Đại hội 9 mới đưa ra được khái niệm, nguồn gốc, nội dung, vị trí, vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Đến Đại hội 11, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn, quý giá, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nước ta giành thắng lợi”, ông Thông phân tích.
Đến những dấu ấn rất đặc trưng trong Hiến pháp 2013
Nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, sau Đại hội 11, để thể chế hóa Cương lĩnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992 để sửa đổi thành Hiến pháp 2013 (bản Hiến pháp tiến bộ nhất trong lịch sử lập hiến của nước ta).
Trong bản Hiến pháp này có những dấu ấn rất đặc trưng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là Hiến pháp 2013 dành toàn bộ chương 2 với hơn 30 điều quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Khi nói về phân công giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, khi nói về bản chất Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Trong đó, điểm mới về “kiểm soát quyền lực” chính là dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cả cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều ý tưởng mới trong lý luận. Một trong những thành tựu lý luận của Đảng ta có dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đưa ra khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tương tự như Nhà nước pháp quyền XHCN.
Ông Thông cho biết thêm, thời kỳ đầu đổi mới, các Đại hội Đảng thường có báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế và báo cáo chuyên đề về xây dựng Đảng, nhưng sau đó một số Đại hội không có báo cáo chuyên đề về xây dựng Đảng. Sự trở lại của “báo cáo về xây dựng Đảng” tại Đại hội 12 chính là dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đến Đại hội 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà đòi hỏi phải xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Nếu như Đại hội 12 dấu ấn của Tổng Bí thư là đã xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về “chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, thì đến Đại hội 13 Tổng Bí thư nói rõ phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cả 5 mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
“Có thể khẳng định rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra để làm lý luận và lý luận tập trung vào xây dựng Đảng”, ông Thông nhận định.
Một dấu ấn nữa của Tổng Bí thư tại Đại hội 13 là đánh giá thành tựu công cuộc đổi mới với đúc kết: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đánh giá tổng quát này đã được Đại hội 13 khẳng định trong văn kiện. Đây không chỉ là đánh giá bình thường mà là nhìn lại đất nước ta sau 35 đổi mới với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Tổng Bí thư cũng để lại dấu ấn trong văn kiện Đại hội 13 khi lần đầu tiên có mục quan điểm chỉ đạo và đến hôm nay còn nguyên giá trị.
Ông Thông dẫn chứng quan điểm 4 kiên định: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là quan điểm có tính nguyên tắc, rất quan trọng, chỉ đạo đổi mới để đất nước phát triển đi lên, không “đổi màu”, nhưng cũng không cứng nhắc.
Vững bước đi lên CNXH
Tại hội nghị Trung ương 8 khóa 13 (tháng 10/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được giao làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội khóa 14.
Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì các cuộc họp tiểu ban. Mới đây nhất vào ngày 14/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về “Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng”. Chỉ thị 35 nêu 7 yêu cầu, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề văn kiện và nhân sự Đại hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu văn kiện phải ngang tầm văn kiện, phải đưa cuộc sống vào văn kiện, phải có những điểm mới.
Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5/2024) đã thông qua đề cương chi tiết dự thảo văn kiện trình Đại hội 14.
“Dù mới là dự thảo đề cương thôi nhưng văn kiện đã có những điểm mới so với Đại hội 13. Ví dụ như dự thảo về chủ đề Đại hội 14 nêu 4 thành tố, trong đó có 2 thành tố mang dấu ấn của Tổng Bí thư rất rõ”, ông Thông nêu.
Cụ thể, thành tố đầu tiên là “tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” chính là ý tưởng mà Tổng Bí thư đã viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng.
Thành tố nữa là “đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên CNXH”.
Từ Đại hội 13 trở về trước, ta chỉ nói “theo định hướng XHCN” nhưng ở dự thảo lần này có thành tố mới là “vững bước đi lên CNXH”.
Điều đó có nghĩa là CNXH Việt Nam đã được xây dựng, đương nhiên còn phải tiếp tục xây dựng nhưng rõ ràng là không còn ở trình độ “định hướng XHCN” nữa mà “vững bước đi lên CNXH”.
Ngoài ra, dự thảo báo cáo chính trị lần này nêu 3 đột phá chiến lược mà ông Thông bày tỏ tâm đắc nhất với đột phá thứ 2 nói về “đổi mới căn bản toàn diện công tác cán bộ”.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấm nhuần sâu sắc quan điểm: Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc cách mạng thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Và khi nói đến tiêu chuẩn cán bộ, Bác Hồ nhấn mạnh đến “đức và tài”.
Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, về công tác cán bộ nói riêng, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”.
Cũng vì thế 3 Hội nghị Trung ương 4 khóa 11, 12, 13 tập trung nội dung về xây dựng Đảng, trong đó nói nhiều về công tác cán bộ.
“Trong 3 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 liên quan đến công tác cán bộ, với tư cách là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn về công tác cán bộ”, ông Thông bình luận.
Cũng từ đó, nhiều quy định liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành sau Đại hội 13, để xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Ông Thông khái quát: “Có thể nói rằng, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện ở câu đánh giá của Đại hội 13. Đó là lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa trong cuộc sống”.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội 14 tới đây một lần nữa khẳng định đánh giá tổng quát lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện.
Tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đề ra các vấn đề lý luận, không chỉ ra quy định, mà còn quan tâm đưa nghị quyết, kết luận, quy định ấy vào cuộc sống.
Bắt đầu từ khóa 11, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.
Đến Đại hội 13 đã phát triển thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cùng với bước phát triển này, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chúng ta đã khởi tố nhiều vụ án, xử lý nhiều cán bộ, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không nghỉ, không ngừng” và "không chịu bất cứ một sự tác động nào".
“Ai cũng phải thừa nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ngọn cờ tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Cả gia đình, vợ, con đồng chí cũng là tấm gương mẫu mực về vấn đề này”, ông Thông nhấn mạnh.
Mỗi lời nói, mỗi hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến lúc trút hơi thở cuối cùng đều thể hiện sự cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà chia sẻ 8 điểm đặc biệt về thân thế và sự nghiệp của Tổng Bí thư.