Dự báo tăng trưởng mạnh
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa có báo cáo khá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam khi dự kiến mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm 2023 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Theo Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đã cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt thị trường lao động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong năm 2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,6%, so với mức 2,9% năm 2020.
Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries cho rằng sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh.
Thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) của Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm 2022 do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.
Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.
Việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền TƯ, địa phương và sư dịch chuyển lao động phục hồi sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam.
Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8-10% trong năm nay. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2,0% vào năm 2023.
Chỉ số môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam quý IV/2021 cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực và lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2022 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các giải pháp tiền tệ của Chương trình ERDP sẽ cung cấp thêm thanh khoản (tổng gói ước lên tới 15 tỷ USD) cho nền kinh tế thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến giảm lãi suất cho vay 0,5%-1,0% trong năm nay và năm sau và tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Việc cắt giảm lãi suất và nhu cầu tín dụng phục hồi của các doanh nghiệp giúp đạt được chỉ tiêu này.
Chính sách nới lỏng đẩy cổ phiếu tăng giá, rủi ro xuất hiện
Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 cũng nêu rõ những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Số các ca nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao, nếu không giảm có thể cản trở sự quay trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế. Nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam. Sự phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh lạm phát xuống mức thấp 1,8% trong năm 2021 (từ mức 3,2% năm 2020) do cầu nội địa suy yếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, giữ nguyên các lãi suất chính sách ở mức thấp kỷ lục kể từ tháng 10 năm 2020.
NHNN cũng đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng, và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại. Tổng mức miễn, giảm lãi suất ước tính lên đến 1,5 tỷ USD. Tăng tín dụng cả năm 2021 đạt 13,6% so với mức 12,2% năm 2020.
Chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng góp phần làm tăng Chỉ số VN-Index lên mức cao kỷ lục vào tháng 11/2021. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành trong năm 2021 đạt mức tương đương 13,7 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2019.
Chính sách nởi lỏng giúp thúc đẩy kinh tế hồi phục nhưng cũng là lúc các nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính dần xuất hiện.
Sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua các đợt phát hành riêng lẻ, phần lớn không có tài sản bảo đảm và không được xếp hạng tín nhiệm, gây lo ngại về rủi ro tiềm ẩn. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công cũng khá chậm chạm, kể từ 2021. Đại dịch cũng làm cho quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước chậm lại. Năm 2021, thu từ thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp này chỉ đạt 14,5% kế hoạch.
Một rủi ro cũng khá lớn là chất lượng tài sản ngân hàng bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế yếu đi. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ là khoảng 2,0% vào cuối năm 2021, so với mức 1,7% vào cuối năm 2020. Tổng nợ xấu, bao gồm cả các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) nhưng chưa được xử lý và các khoản cho vay khác có rủi ro trở thanh nợ xấu ước tính khoảng 3,8% tổng dư nợ. Nếu tính thêm các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng của Việt Nam ước tính là 8,2% tổng dư nợ.
Hơn nữa, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát.
Đến cuối quý I/2022, lạm phát bình quân tăng lên 1,9%, so với mức 0,3% của một năm trước đó. Nhưng cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu toàn cầu, lạm phát tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023.
Sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
M. Hà
Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ sớm trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam khi mà giá cổ phiếu được định giá ở mức hấp dẫn nhất trong khu vực, phù hợp với đầu tư dài hạn.