Song nhiều nhà nghiên cứu, như chuyên gia tâm lý học Steven Pinker, đưa ra quan niệm khác: mọi biểu hiện của trí óc đều tuân theo một quy tắc, cơ chế nhất định, chỉ có điều chúng ta vẫn chưa thể tìm hiểu, nhận thức được thấu đáo nguyên tắc hoạt động cũng như mức độ phức tạp mà trí tuệ của chúng ta vận hành. Đây chính là nội dung được Steven Pinker bàn đến một cách hệ thống, kỹ lưỡng trong cuốn sách Trí óc vận hành như thế nào? (How the mind works?) của Steven Pinker.

Cuốn sách 8 chương gồm một chương dẫn nhập, 6 chương đề cập tới các khía cạnh từ nguyên tắc chung tới đặc tính riêng trong thực tế vận hành của trí tuệ loài người và một chương cuối đóng vai trò vĩ thanh gợi mở về những “vùng mờ” còn chưa thể lý giải thấu đáo về tâm lý, ý thức con người. 

Chương đầu tiên Thiết bị tiêu chuẩn là phần dẫn nhập về bộ não của loài người cũng như cách thức não bộ kết nối với các bộ phận tiếp nhận thông tin khác của cơ thể, trong đó thị giác được lấy ra làm ví dụ điển hình, để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, phức tạp và hoạt động hết sức nhịp nhàng, hiệu quả.

Steven Pinker đã chỉ ra sự hiệu quả, phức tạp đáng kinh ngạc trong hệ thống tư duy của chúng ta so với các bộ máy biết xử lý thông tin và phản ứng từ thông tin được thu nhận, xử lý do con người chế tạo (được tác giả gọi cô đọng dưới hình tượng robot). Và tác giả đi đến kết luận mở đầu là năng lực phi thường của hệ thống tư duy chúng ta sở hữu không nằm ở bản chất vật chất, vật lý của nó mà ở cách thức các hợp phần vật chất cấu thành nên nó được tổ chức, liên kết với nhau và vận hành. 

Pinker cho rằng khái niệm trừu tượng về “linh hồn” chính là cách gọi hình tượng mà con người sử dụng khi nhân loại từ xưa đã ý thức được về sức mạnh tư duy vô hình của chính mình, nhưng chưa đủ khả năng luận giải về nó một cách lô gich. Và đây chính là điều Steven Pinker, dựa trên những hiểu biết khoa học hiện tại về cách thức vận hành của tư duy, cố gắng chuyển tải tới độc giả trong phần còn lại của cuốn sách.

Chương 2 Những cỗ máy tư duy là hành trình hồi cứu để tìm hiểu cơ chế vận hành của quá trình tư duy vẫn diễn ra trong chúng ta mỗi ngày. Steven Pinker chọn xuất phát điểm là những thuật toán lô gich cơ bản quen thuộc trong lập trình máy tính, chỉ ra độ chênh của chúng với năng lực tư duy của chúng ta từ đó dần dần “nâng cấp” mức độ phức tạp của các thuật toán sử dụng, đối chiếu năng lực của chúng với năng lực tư duy của con người để thu hẹp sự khác biệt, nhờ đó độc giả dần được dẫn dắt để có được hình dung cụ thể, hiểu sâu hơn về cơ chế ẩn sau mỗi hành vi tư duy mà mỗi con người liên tục sử dụng từng giây từng phút. 

Đồng thời, tác giả chỉ ra lý do hợp lý để mỗi chúng ta cũng nên chấp nhận, rằng có những khía cạnh trong vận hành tư duy con người không thể có lời giải thích lô gich, và chúng ta nên hài lòng với nhận thức rằng sự tồn tại của chúng, chẳng hạn như những năng lực tư duy vẫn được nhắc tới dưới cách gọi “cảm tính”, “linh cảm”, là có thực.

Chương 3 Sự trả thù của hội ngộ chữ đi vào phân tích một khía cạnh còn gây nhiều tranh cãi: sự tiến hóa, chọn lọc tự nhiên và năng lực tư duy của con người có mối liên kết hữu cơ và tác động qua lại đến nhau như thế nào. Tại sao có những chức năng cực kỳ quan trọng của cơ thể dường như lại được “lập trình tự động” (hoạt động của hệ tiêu hóa, tim) mà bộ óc không thể điều khiển một cách chủ động theo ý muốn của chủ nhân cơ thể đó, nhưng trái lại những hoạt động tư duy, cảm xúc của bộ não lại vẫn gây ảnh hưởng tức thời ở mức độ nhất định tới những chức năng “tự động” kia, và liệu những chức năng “tự động” đó có là bất biến hay chịu tác động điều chỉnh liên tục của chọn lọc, tiến hóa? 

Trong chương này, Steven Pinker chỉ ra tính tất yếu của tiến hóa, cũng như những biểu hiện đa dạng của nó, mà một nét hết sức quan trọng là sự tiến hóa về tâm lý học cũng như cơ chế điều khiển những “vùng mờ” khó lý giải bằng quy luật lô gich của tư duy con người.

Chương 4 Con mắt của trí óc đi vào phân tích một khía cạnh cụ thể và quan trọng của hoạt động tư duy, đó là sự phối hợp giữa cơ quan thị giác và bộ óc trong xử lý thông tin tiếp nhận được từ mắt thành các ý tưởng, “hình ảnh” tư duy lập thể trong não, cũng như cách não tác động trở lại vào thông tin thị giác để “bổ khuyết”, thiết lập nên một hiểu biết rõ rệt, toàn diện hơn về thế giới, sự vật bên ngoài, cũng như hình thành nên vốn hiểu biết cá nhân và tập thể cho nhân loại và tác động giữa vốn dữ liệu sẵn có tới cách chúng ta “giải mã” thông tin mới, hình thành tri thức mới.

Chương 5 Các ý tưởng hay dành cho bước nhảy quan trọng về tư duy giúp con người khác biệt với các loài sinh vật khác. Đó là khả năng trừu tượng hóa, sử dụng thông tin thu thập được từ thế giới bên ngoài thành những hiểu biết hữu dụng trong các trường hợp khác gặp phải về sau trong cuộc sống, thành những quy luật cho phép con người dự đoán, tác động vào thế giới ngoại cảnh sao cho có lợi cho mình. 

Trong chương này, Steven Pinker đi sâu vào phân tích các con đường hình thành ý tưởng của con người theo những góc độ đa dạng của nó, từ những ý tưởng hình thành nhanh tới mức chúng ta gần như không ý thức được chúng xuất hiện ra sao (trực giác) đến sự hình thành các ý tưởng nổi tiếng của các thiên tài, được định hình thông qua vô số thời gian nghiền ngẫm, hoàn chỉnh trong sự tập trung cao độ, chuyên cần và có chủ đích, cũng như những “khoảng lặng hồi sức” cần thiết cho quá trình vận hành của tư duy.

Chương 6 Những cái đầu nóng đi vào phân tích cảm xúc và các hành vi, phản xạ dựa trên cảm xúc, thứ khó nắm bắt, lý giải nhất trong các hành vi, hoạt động của con người. Qua phân tích, đối sánh các cách tiếp cận, các học thuyết khác nhau về quá trình hình thành cảm xúc của con người, Steven Pinker đã cung cấp cho độc giả một hiểu biết cơ bản về quá trình tiến hóa, định hình nên những cơ sở cho việc tạo ra cảm xúc của mỗi cá nhân, mối liên hệ của “cơ sở dữ liệu cảm xúc” này với môi trường sống, với những thông tin di truyền được định hình, biến đổi trước khi chuyển giao cho thế hệ tiếp theo. Cảm xúc và lý trí, theo Pinker, không hề tách biệt hay đối lập mà là những hợp phần luôn có quan hệ khăng khít trong chỉnh thể tư duy của con người.

Chương 7 Những giá trị gia đình là câu chuyện về ảnh hưởng của quan hệ gần gũi về di truyền tới hành vi, tâm lý của con người. Steven Pinker cố gắng lý giải giữa sự “vị kỷ” về chuyển giao vật liệu di truyền với sự “chân thành” của tình cảm gia đình, tình thân và mối quan hệ hai chiều giữa chúng, như hai dòng chảy trong tiến trình tiến hóa chung của con người. Tác giả đã chỉ ra “bàn tay ngầm” của chọn lọc tự nhiên và tiến hóa trong những vấn đề rất quen thuộc của cuộc sống hàng ngày: khoái cảm tình dục, hấp dẫn giới tính, các quan niệm đạo đức về quan hệ tình dục cận huyết, đồng giới,…

Chương cuối Ý nghĩa của cuộc sống lý giải cách hành xử của con người trong những vấn đề hoàn toàn không “thiết thực” cho việc duy trì sự tồn tại và phát triển của cá nhân cũng như xã hội loài người. Tại sao chúng ta lại có các hoạt động nghệ thuật, giải trí, tiêu tốn cả gia tài sưu tập những thứ cả đời hầu như không dùng đến? Ẩn sau những thứ tạo thành “ý nghĩa cuộc sống” hết sức đa dạng của mỗi con người. Pinker chỉ ra nhiều điều còn chưa có câu trả lời, bởi như định luật bất toàn Gödel, dù chúng ta có hiểu biết hoàn toàn về trí tuệ con người, thì điều đó là chưa đủ để tự nhận thức về chính trí tuệ này. Hay nói như Pinker, “tinh thần của chúng ta sẽ là bí ẩn tối hậu".

Dịch giả Lê Đình Chi