
Chợ An Đông (quận 5) thưa người qua lại trong những ngày lực lượng chức năng triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng lậu và hàng không rõ nguồn gốc. Đây là nơi chuyên bỏ sỉ quần áo, phụ kiện lớn bậc nhất TPHCM, với khoảng 2.700 gian hàng xếp san sát nhau.

Tầng trệt, với các gian hàng đồ ăn và nữ trang, im ắng trong chiều 5/6. Nhiều tiểu thương kinh doanh vàng cho biết, họ gặp khó khăn khi đáp ứng yêu cầu về xuất hóa đơn điện tử cho các giao dịch mua vào, đặc biệt với mặt hàng nữ trang đã qua sử dụng.
Theo các chủ cửa hàng, phần lớn nữ trang được mua lại từ khách vãng lai, có thể là người từ nước ngoài về hoặc khách từng mua vàng từ nhiều năm trước nay mang ra bán. Sau đó, số vàng này được đưa đến các cơ sở gia công để chế tác lại, nên khó để chứng minh đầu vào bằng hóa đơn điện tử.

Những gian hàng quần áo đóng, mở xen kẽ, tiểu thương ngồi bấm điện thoại hoặc trò chuyện.

Có những dãy ki-ốt chỉ còn 1-2 gian hàng mở cửa.


Kể từ sau đại dịch đến nay, nhiều tiểu thương ở đây liên tục phải “gồng lỗ” để duy trì hoạt động kinh doanh. “Nhiều lúc bán hàng mà tiền lời còn không đủ để trả lương nhân viên, chưa kể các chi phí khác như vận chuyển, thuê sạp... ”, một người kinh doanh quần áo tại chợ chia sẻ.

Tình trạng ảm đạm kéo dài cũng khiến giá thuê sạp tại các chợ giảm mạnh. Có thời điểm, một ô sạp nhỏ khoảng 1,5m2 tại chợ An Đông có giá thuê gần 30 triệu đồng, nay chỉ còn bằng 1/3 nhưng cũng không có người thuê.

Nhiều nhân viên, tiểu thương ngủ cả buổi do vắng khách.

Không ít tiểu thương đang “cầm hơi”

Chợ Tân Định (quận 1) cũng diễn ra cảnh tương tự. Nhiều gian hàng đóng cửa, cả khu chợ vắng vẻ, đìu hiu.


Một số tiệm vàng trên đường Tâm Định dán thông báo đóng cửa trong dịp cao điểm kiểm tra, phòng chống hàng lậu, hàng nhái.