Nữ sinh đầu tiên đạt HCV Vật lý Olympic quốc tế
Mao Uý sinh ra trong một gia đình bình thường ở huyện Khải Đông (Giang Tô, Trung Quốc) năm 1978. Từ nhỏ, Mao Uý đã thể hiện trí thông minh vượt trội so với bạn bè. Suốt 12 năm, thành tích của nữ sinh luôn đứng đầu trường và lớp, đặc biệt là môn khoa học.
So với bạn bè, Mao Uý được nhận xét thông minh hơn. Lên cấp 2, nữ sinh tích cực tham gia nhiều cuộc thi Toán, Vật lý và đạt thứ hạng tốt. Với kết quả xuất sắc, Mao Uý được tuyển thẳng vào Trường THPT Khải Đông - nơi từng tạo nên huyền thoại 21 học sinh/lớp đỗ vào Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh.
Năm lớp 11, Mao Uý tham gia cuộc thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia và giành giải Nhất. Đồng nghĩa, nữ sinh sẽ góp mặt trong đội tuyển Vật lý quốc tế năm 1995. Tháng 7/1995, Mao Úy đại diện Trung Quốc tham gia Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 26, tổ chức tại Canberra (Australia).
Vượt qua 225 thí sinh đến từ hơn 50 quốc gia và khu vực Mao Uý trở thành nữ sinh đầu tiên đạt huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế. Lúc này, mọi người gọi Mao Uý là nữ sinh "tài năng nhất thế giới".
Thành tích này giúp Mao Úy được tuyển thẳng vào khoa Kỹ thuật Điện tử của Đại học Thanh Hoa ở tuổi 17. Không kiêu ngạo Mao Uý cho rằng, đây không phải là chiến thắng vĩnh viễn.
Do đó, 4 năm đại học, ngoài học tập chăm chỉ nữ sinh còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Bởi Mao Uý nhận ra, kiến thức tích luỹ không bao giờ đủ nên phải liên tục đào sâu.
Tốt nghiệp đại học năm 2000, với thành tích xuất sắc nữ sinh được tuyển thẳng học tiến sĩ tại một số trường như Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học California... Sau khi cân nhắc, nữ sinh chọn Đại học California (Mỹ).
Tại đây, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Joseph M. Kahn nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông quang học, chủ yếu nghiên cứu công nghệ 4G, 5G, thông tin liên lạc radar ô tô và quang tử silicon, nhờ đó Mao Úy xuất bản được nhiều bài báo khoa học.
Với năng lực nghiên cứu xuất sắc, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Vật lý tại Đại học California (Mỹ), Mao Uý thu hút sự chú ý của nhiều công ty công nghệ cao trong và ngoài nước.
Về nước cống hiến để phá vỡ sự độc quyền
Năm 2005, Mao Uý gia nhập công ty phần mềm truyền thông không dây ArrayComm LLC ở Mỹ. Nữ tiến sĩ đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển giải pháp cho lớp vật lý của hệ thống băng thông rộng.
Ngoài ra, Mao Uý còn là giám đốc một vài dự án công nghệ trị giá 100 tỷ USD (2.463.500 tỷ đồng). Sau 3 năm cố gắng, từ kỹ sư cao cấp đến giám đốc dự án Mao Uý nhận về mức lương hơn 1 triệu USD/năm (hơn 24 tỷ đồng).
Thời điểm này, nhiều người cho rằng, Mao Uý sẽ ở Mỹ tiếp tục phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ tình cờ với doanh nhân người Trung Quốc ở Mỹ năm 2013, đã thay đổi suy nghĩ của nữ tiến sĩ. Tại buổi trao đổi, Mao Uý nhận ra phần lớn các quốc gia đều nhập khẩu chip của Mỹ.
Thời điểm đó, Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển công nghệ nên cần lượng lớn chip cao cấp, đặc biệt là chip quang học trên 25G. Quan tâm đến sự phát triển công nghệ ở Trung Quốc, Mao Uý tính đến việc về nước.
Trước sự nghi ngờ của những đồng nghiệp ở Mỹ, Mao Uý khẳng định, sẽ sản xuất được chip quang học trong tương lai. Một doanh nhân đã nói với Mao Uý, mỗi năm Trung Quốc phải chi ra 10 tỷ USD/năm (240.000 tỷ đồng) để nhập khẩu chip từ phương Tây.
Đối mặt với mức lương hơn 1 triệu USD/năm (hơn 24 tỷ đồng), nữ tiến sĩ không đắn đo và kiên quyết về nước ở tuổi 36.
Về nước năm 2014, Mao Uý cùng chồng là tiến sĩ công nghệ tại Đại học Stanford (Mỹ) đã huy động 100 triệu NDT (340 tỷ đồng) để thành lập công ty Feion Communications tại Giang Tô, chuyên phát triển mạch tích hợp và các dự án liên quan đến cáp quang.
Quyết định về nước của Mao Uý đã lấp đầy nhiều lỗ hổng trong lĩnh vực sản xuất chip ở Trung Quốc. Nhờ sự nỗ lực của nữ tiến sĩ, công ty đã sản xuất thành công chip 25G/100G năm 2017. Thành tựu này giúp Trung Quốc tiết kiệm gần 10 tỷ USD/năm (240.000 tỷ đồng) chi phí nhập khẩu chip từ phương Tây.
Sau đó, Mao Uý cũng hướng dẫn Huawei phát triển chip độc lập. Hơn nữa, nhờ có sự xuất hiện của công ty Feion Communications, nên Huawei giảm một phần áp lực trong lĩnh vực này.
Hiện tại, nữ tiến sĩ và nhóm nghiên cứu của Feion Communications vẫn tiếp tục thúc đẩy các ứng dụng thương mại và phân tích dữ liệu 5G. Điều này có đóng góp quan trọng cho sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc.