Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay, mạng lưới tổ hòa giải đã được thành lập ở hầu khắp các khu dân cư. Toàn tỉnh có 2.132 tổ hòa giải với 14.218 hòa giải viên (trong đó có 12.071 người là cán bộ MTTQ, cán bộ các tổ chức thành viên của MTTQ. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác hoà giải trên địa bàn.
Trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (từ năm 2014 đến 6/2023), Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 18 lớp tập huấn pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho trên 2.300 đại biểu là tổ trưởng tổ hòa giải ở cơ sở, phát hành trên 2.000 cuốn tài liệu liên quan.
Đồng thời, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố cũng tích cực phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức 175 hội nghị tập huấn, gần 2.000 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho các đại biểu là tổ trưởng tổ hòa giải và hoà giải viên.
Định kỳ hàng năm, các hòa giải viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, tiếp cận pháp luật, hình sự, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông…
Bên cạnh đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trọng tâm là việc tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng là một trong những mục tiêu đặt ra của công tác hòa giải ở cơ sở.
Theo đó, MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang đã quan tâm, thực hiện lồng ghép công tác hòa giải trong hầu hết các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư.
Điển hình là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở, gắn hoạt động hòa giải vào việc thực hiện các chương trình, đề án, các phong trào văn hóa xã hội, các mục tiêu chung ở cơ sở.
Kết quả, qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Bắc Giang đã tiếp nhận 16.739 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 14.110 vụ việc (đạt 84,3%).
Các nội dung hòa giải bao gồm: Vấn đề liên quan đất đai; mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ xóm giềng; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong dân sự, quan hệ hôn nhân gia đình...
Thông qua hoạt động hòa giải, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân được giải quyết kịp thời, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, công tác hoà giải ở cơ sở vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai các văn bản mới về hòa giải ở cơ sở đến các tổ hòa giải đôi lúc chưa kịp thời.
Việc trao đổi thông tin hướng dẫn về nghiệp vụ của công chức tư pháp xã với các tổ hòa giải còn hạn chế, dẫn đến có vụ việc chưa xác định bản chất, phạm vi hòa giải, nên có vụ việc hòa giải chỉ mang tính thủ tục hoặc có vụ việc còn chưa đạt chất lượng.
Trước những khó khăn này, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Tư pháp triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành; nghị quyết, chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về công tác hòa giải ở cơ sở.
Đồng thời, sẽ lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở với công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.