Thông tin trên được Sở Y tế TP.HCM chia sẻ trong sáng 14/4. Cụ thể, các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) 64-128 lát, chụp cộng hưởng từ (MRI) đã được Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đưa vào áp dụng từ năm 2010. Hiện nay, đây là một trong số ít cơ sở y tế công lập tại TP có thể chụp PET/CT. 

"Trong thời gian tới, Bệnh viện Ung bướu sẽ triển khai xây dựng hệ thống lò Cyclotron nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cấp đồng vị phóng xạ phục vụ nhu cầu chụp PET/CT của người bệnh", thông báo của Sở Y tế TP.HCM nêu. 

Chụp PET/CT là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tân tiến ứng dụng các kỹ thuật y học hạt nhân, mang lại hiệu quả cao hơn phần lớn các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến.

Theo các bác sĩ, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng cần chụp PET/CT. Tuy nhiên, kỹ thuật này giúp phát hiện được các tổn thương di căn, đánh giá được mức độ đáp ứng, nguy cơ tái phát ung thư và đặc biệt hiệu quả khi đánh giá ca bệnh khó. 

Hệ thống máy PET/CT khi mới trang bị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM năm 2020. 

Tại TP.HCM, các cơ sở y tế công lập như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhân dân 115 có máy PET/CT. Tuy nhiên, chỉ Bệnh viện Chợ Rẫy có hệ thống Cyclotron sản xuất thuốc 18F-FDG. Trường hợp cần thiết, cơ sở y tế này sẽ chia sẻ nguồn thuốc phóng xạ cho cho cơ sở bạn thực hiện chụp PET/CT. 

Mặc dù vậy, có những thời điểm, nguồn cung này bị hạn chế khiến cho người bệnh ung thư có chỉ định chụp PET/CT phải ra Hà Nội hoặc Đà Nẵng để thực hiện, hoặc chấp nhận chờ đợi cả tháng trời mới đến lượt. 

Tình trạng trên từng được VietNamNet phản ánh vào năm 2022. Các chuyên gia nhiều lần đề xuất cần xây dựng một lò Cyclotron tại TP.HCM, nhằm chủ động đảm bảo đủ nguồn cung cấp đồng vị phóng xạ cho kỹ thuật chụp PET/CT của người bệnh ung thư.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã vận hành 100% ở cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Cơ sở mới này được khởi công từ năm 2016 với số vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ chấm dứt cảnh chờ mổ, nằm gầm giường của bệnh nhân ung thư ở TP.HCM cũng như khu vực phía Nam.